Friday, June 19, 2009

Quy Nhơn - Bình Định

Bình Định quê tôi


"Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách
Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu..."

Đã bao lần về Bình Định xứ dừa, tôi mãi vẫn không biết được bến My Lăng ở phương nào? Mà hằng đêm, mỗi khi đọc Yến Lan thi tập, tôi vẫn tưởng tượng ra được một bến đò hiu quạnh, trăng rơi vàng mặt nước tĩnh đến rợn người, với bầu rượu đã vơi đi hơn nửa...

Xứ Bình Định, quê hương của Bàn Thành tứ hữu, vốn nổi tiếng với vị vua Quang Trung anh hùng đại phá quân Thanh xâm lược, với môn võ cổ truyền đúng nghĩa chỉ truyền cho người có cái tâm cao đẹp, với những rặng dừa chạy mãi dọc biển xanh, với hơi gió biển thổi đi chiều oi bức.

Bao năm qua trôi đi, con người Bình Định vẫn vậy. Nổi tiếng với những cô gái Phú Phong, đẹp người đẹp nết, mà người Bình Định vẫn hay gọi một từ đơn giản nhưng đậm chất thôn quê là "giỏi"; với những con người An Nhơn, hiền hòa, nhân hậu, đùm bọc nhau xóm làng. Dù đã đổi thay rất nhiều nhưng cái chất đậm đà Bình Định vẫn còn đó, vẫn cái tịch mịch xóm chiều mà đến hoàng hôn là nhiều nhà đóng cửa, vẫn cột khói bay nghi ngút bên bếp lửa đen ngòm đáy xoong cơm, vẫn tiếng gà gáy vang bảo ông Trời đi ngủ sớm, vẫn là những đám mây lãng đãng nhẹ nhàng trôi qua theo dòng thời gian vùn vụt tên bắn.

Quy Nhơn có biển. Biển Quy Nhơn không biết có phải là đẹp nhất chăng? Nhưng biển Quy Nhơn hiền hòa như lòng người ở đấy. Những đợt sóng dài, vỗ nhẹ vào bờ cát trắng phau, rì rào trong tiếng hát ban mai, của những người dân chài ra khơi đánh cá, của những trẻ em tranh nhau đến trường. Dù bạn đi những nơi đâu, khi quay về Quy Nhơn, nếu bạn nhìn thấy bờ biển dài cùng với rặng dừa xanh ngắt, bạn đã đến nơi rồi đấy. Tâm hồn thanh thản khi đi dạo bên hàng dừa dài mãi tận xa xăm. Mát rượi. Gió biển như cũng biết chiều lòng những chiếc lược trời hay chăng là những chiếc kèn harmonica thổi lên những khúc ca ôm ấp người con xa quê vào lòng, như chào mời họ về lại với làng quê lâu rồi rời khỏi. Ông tôi thường kể rằng, rặng dừa mà con thấy dài mãi đó, chính là vì ngày trước có một chàng trai thầm yêu cô gái nọ. Gia đình cô gái chấp thuận nhưng với một điều kiện là chàng ta phải trồng dừa từ nhà mình đến nhà cô gái thì mới được đưa cô gái về cúng lễ gia tiên. Tình yêu nồng cháy của chàng trai đã giúp anh trồng được gốc dừa lửa duy nhất và cuối cùng ngay trước cổng nhà của cô gái. Tình yêu thật đẹp lắm thay !

"Trôi quanh thuyền những lá vàng quá lạnh,
Tơ vương trời, nhưng chỉ rải trăng trăng.
Chiều ngun ngút dài trôi về nẻo quạnh,
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng."

Trăng lên. Đêm trăng tròn tỏ soi bước chân lún nhẹ vào bãi cát trắng ấm áp niềm vui. Gió biển nồng nàn mùi mặn chát, vi vu từng hơi thổi bồng làn tóc thiếu nữ tung bay. Không gì tuyệt bằng đi dạo vào một đêm trăng như thế, cùng với một bãi biển và rặng dừa đầy sự tích như thế. Lắng nghe với tất cả trái tim, quê hương, thật yên bình và thơ mộng.

"Bến My Lăng còn lạnh bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng"

Cái đượm buồn vẫn vương vấn nơi đầu tàu ngọn sóng. Cái đượm buồn của bao suy nghĩ mông lung, của đêm trăng cô quạnh, của biển khóc xa xăm...

"Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Trăng nằm yên trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò"

Câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Hàn Mặc Tử nổi tiếng Bàn Thành chắc ai ai cũng biết. Về Quy Nhơn, với Bãi tắm Hoàng hậu, nơi vị hoàng hậu cuối cùng của phong kiến Việt Nam, Hoàng hậu Nam Phương, đến thưởng ngoạn và đắm mình trong cái mát lạnh của dòng nước biển mênh mông ; với mộ Hàn Mặc Tử - Thơ điên ; với Hòn Chồng (hòn lớn chồng lên hòn nhỏ) ; với bãi tắm Tiên Sa, với tháp Đôi, tháp Bánh ít đặc tả văn hóa Chăm-pa thời cổ... Biết bao cảnh vật mà thiên nhiên ưu ái đã tạo nên cho Bình Định nên thơ, làm nên chất riêng cho vùng đất đầy lịch sử hào hùng mà dân tộc Việt Nam ta mãi mãi ghi nhớ.

Bình Định nhắc đến vị vua Quang Trung oai phong lẫm liệt, thiên tài quân sự của Việt Nam với đường lối chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh làm chấn động cả đất trời muôn thuở. Mà cũng nhờ Người, Bình Định đã có thêm biết bao món ăn nhanh, thế giới gọi là fast-food ấy. Ví như bánh tráng và thịt thưng. Nhiều người nói rằng bánh tráng xuất phát từ miền Bắc. Ấy thế là họ hoàn toàn sai rồi. Chẳng phải miền Bắc nổi tiếng với trận Đống Đa - Ngọc Hồi làm nên lịch sử toàn thắng mà đất nước ta hoàn toàn thống nhất sao? Quân lính tướng sĩ đã quá mệt mỏi sau những trận đánh thần tốc và những thức ăn kia đã nếm nhiều nên đã để lại hết trên gò Đống Đa, cho nên miền Bắc gọi bánh tráng là bánh đa đấy, bà Ngoại tôi ôn tồn kể. Chiến thuật cứ ba người khiêng một người như thế cần phải có những thứ thức ăn nhanh mà dễ cho vào bụng nhất. Một lát bánh tráng, vài miếng thịt thưng, Bình Định chân chất làm nên lịch sử hào hùng.

Về Bình Định, không thể nào kể hết được đặc sản nơi đây với những câu ca dao lay động lòng người...

Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi

Gió đưa mười tám lá xoài
Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi

Gái Phú Yên một tiền ba đứa
Gái Bình Định một đứa ba quan

và còn nhiều những câu ca dao khác mà tôi không tài nào nhớ hết được. Hãy về Bình Định, để được thưởng thức món bánh cuốn chả thịt, thơm giòn vị thịt, ngọt lịm của vị nước chấm tương đậu phộng đặc trưng. Hay món bánh xèo miền Trung, đặc biệt Bình Định thưởng thức trong những ngày mưa dầm lạnh buốt mà ấm áp làn hơi. Còn nữa những món ăn tuyệt hảo khác như bánh hỏi Diêu Trì quyến rũ(là bánh để hỏi cưới ấy), bánh canh tôm Bình Định nóng hổi, bún chả cá Quy Nhơn cay ấm tâm hồn người xa xứ, mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn đậm đà, mắm tôm An Nhơn ngọt bùi, và đặc biệt món nem chả chợ Huyện. Chả thế mới có câu:

Ai về Vinh Thạnh quê em
Ăn nem chợ Huyện, xem đêm hát tuồng

Không nơi đâu có thể mang lại một món nem chua chua ngọt ngọt, thơm đậm đà lớp lá ổi e ấp trong lớp lá chuối quấn dày. Chả cá ở đây có thể làm bạn tan chảy bởi thịt cá được chế biến vô cùng công phu, ngay cả món tương ớt để chấm cũng làm bằng bàn tay tài hoa của các bà, các mẹ, các chị. Những ngày xưa, thức quà trong tay lũ trẻ con chúng tôi chỉ là những thứ bánh xu-xê nhưn dừa, những chiếc kẹo bùi,... Đối với tôi, bánh xu-xê là món tôi thích nhất. Cái vị thơm ngon, béo ngậy, xốp xốp và đặc biệt ăn không dính răng, ngọt đến tê cả người. Ôi Bình Định quê tôi...

Những ai ưa thích món gỏi có thể tận hưởng các loại gỏi cá, gỏi sứa, gỏi hải sản đặc trưng của thôn quê miền biển. Nếu dạ dày của bạn thuộc loại siêu hạng thì hãy từ từ thưởng thức cái món gỏi của xứ Bình Định này, để trải nghiệm hết những hương vị mà con gái ở đây khéo léo pha trộn tạo nên một mùi hương chung nhưng mang chất riêng của từng món ăn một. Chất con người ở đây đã thổi hồn cho những món ăn, cho những bữa tiệc, cho những giá trị tinh thần mà họ cố công gìn giữ, góp một phần nhỏ vào nghìn năm văn hiến của dân tộc.

Bánh ít lá gai... chữ công của người con gái trong tứ đức (công dung ngôn hạnh). Ôi đường ngọt, nếp thơm, dầu béo, đậu xanh bùi, gừng nồng ấm, lá gai tan chảy và đặc biệt là ăn bao nhiêu cũng không sợ đau bụng đâu vì lá gai bản thân là vị thuốc trừ đau bụng, no hơi. Và xoài Bình Định, cái thơm dịu, cháy nồng của những trưa hè nắng gắt kết tụ trên từng quả xoài dày thịt, ngon cơm mà ít có xoài vùng nào có được... Thật nhớ !!!

Bình Định, chí ít ra có thể gọi là một quốc gia nho nhỏ ấy chứ nhỉ? Với đủ lịch sử, văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật,... con người Bình Định dù xa quê đến đâu, xa quê đã bao năm tháng rồi, vẫn tự hào trả lời rằng: "Tôi quê ở Quy Nhơn, Bình Định".

"Bà Ngoại ta còn phảng phất đâu đây
Bánh ít lá gai bánh ú mập đầy"

Chốn phồn hoa đô hội, thời gian vụt trôi, sự thay đổi không ngừng của một đất nước đang phát triển kia vẫn không thể nào đem đi được Quy Nhơn, Bình Định hồn nhiên, hiền hậu, dịu dàng, chân chất yêu dấu của tôi...

Bình Định của tôi ơi !!!

0 comments:

Post a Comment

Vui lòng chọn "Comment as"
--> Name/URL và để lại tên bạn, đường dẫn nếu bạn hỏi chủ blog việc gì đó và cần hồi âm.
--> Anonymous nếu bạn muốn ẩn danh.
Xin cảm ơn.