Thảng Hanh Hiên

Cũng lâu rồi tôi không còn động vào hộp bút màu vẽ mà tôi đã cố công sưu tầm nữa. Có chăng là tôi đã lớn dần và tôi không còn nhiều ý thích hay ý tưởng cho môn học đầy tính chất nghệ thuật và tố chất nghệ sĩ trong con người cầm cọ này. Nhưng lại những chiếc bút đầy màu sắc ấy đưa tôi đi lòng vòng con đường dài ngoằn dành cho người thích chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của con tàu bay tuổi thơ, nằm trong ngăn kéo quan trọng trong cuộc đời tôi. 

Bút lông màu…

2000/cây. Đầy màu sắc, mực thơm, và là một thứ xa xỉ phẩm đối với nhà tôi lúc bấy giờ. Việc chỉ bán thuốc Tây một liều chỉ khoản 1200 hay 1500 thì chỉ cần một cây bút lông màu đó thôi, bán buôn gì cũng dẹp. Nhưng bút lông màu, những cuốn sổ tay, bông cúc đại đóa, những thứ ấy, tôi không quên được…


Ông Ngoại ơi…

Ông tôi là một người tài hoa tột bực. Không ai có thể sánh bằng, tôi có thể mạnh miệng mà nói như thế. Tôi cũng đảm bảo rằng không có một ai trong nhà có thể sáng bằng cái tài của Ông tôi. Phải nói là vĩ nhân mới đúng. Chỉ cần một ngọn bút, Ông tôi có thể phóng tác nên rất nhiều bài thơ, nét vẽ, bản nhạc… Nhiều thứ mà tôi vô cùng mơ ước sẽ được như Ông Ngoại tôi. Văn hóa chữ Tàu, có lẽ tôi không biết nhiều. Tôi chỉ có biết hâm mộ thôi (:D) Nét bút Ông tôi đậm, vuông vức, cứng cáp, bay bướm. Nét người thế nào, nét bút thế ấy. Ông tôi, dùng đúng
 từ, là một chính nhân quân tử, không hơn không kém.

Cúc đại đóa…

Không ai vẽ đẹp bằng Ông tôi. Mà cũng không ai họa được một bông hoa mang đầy đủ cái tứ đẹp đẽ của nó. Bông Cúc đại đóa, bông mà Ông Ngoại tôi thích nhất, thường luôn mở đầu cho những trang thơ bay bổng với một khung hoa dây leo để lơ lửng tung bay như chất hồn nghệ sĩ của Ông. Vẽ một khung hoa, kết thúc cũng bằng một khung hoa, Cúc đại đóa luôn nằm trung tâm, hồn thơ Ông tôi chất chứa nên nỗi lòng của một thi sĩ không gặp thời vào vận Mạt Pháp này.

“Tình trúc xinh mọc bờ đầm đẹp
Trông ngói đình chồng chất lượng cao
Chiều chiều vịt nhộn bờ ao
Thẳm sâu sông lội, ngất cao đèo trèo”

...
Tri kỷ…

Một đời tài hoa như Ông tôi cũng hơi lắt léo khi trêu chọc Nguyệt lão như thế. Mãi khi gặp được bà Ngoại tôi, tri âm tri kỷ một thời, mãi mãi không bao giờ nguôi… Những vần thơ tuôn chảy, luôn có chim oanh, luôn có cành liễu, luôn kết thúc bởi từ P.C.T.B. Mà cũng thật trùng hợp khi chim Oanh chỉ đậu duy nhất trên cành Liễu, không đậu bất cứ đâu. Chẳng vì thế mà nơi an nghỉ của Ông tôi được đánh dấu bằng hai cây Dương Liễu rất to sum suê cành lá chăng? Tình mãi kéo dài cho muôn đời suốt kiếp. Đã già nhưng hai ông bà vẫn luôn khắng khít, chả trách hồn thơ Ông tôi mãi tươi trẻ chăng?

Thơ tình…

Tôi không tài nào tả hết được cảm xúc dạt dào trong những tứ thơ mà Ông tôi bay bướm viết ra. Chỉ biết trích vài đoạn để đọc và chiêm nghiệm cái tình đã già nhưng không già trong từng trang viết, trong từng con chữ, trong từng màu sắc yêu thương nhung nhớ.

“Trăng mồng bốn nhọn sừng, nhớ trăng mồng năm tròn lần sừng mòn mỏi…”


VỀ ĐI THÔI
Về đi thôi !
Sân thượng cho cháu (Xíu)
Gác lở cho con
Hoang vắng nhà
Già trẻ ai coi
Quan trọng điều Ai có cùng Tôi ?
Tưới Cúc hạ vàng có Mình ghín nước
Nâng sen chung trà có Thiếp thiêu hương
Vắng ứ hự nguýt nhẹ mở môi trườn
Vắng Em quạnh quẽ chân thường trước trên
Vắng đáp trề trề môi Em máy động
Vắng nhìn răng trắng trong tỏ rõ nết suốt thông
Vắng vẻ lời văng vẳng cùng thốt Tâm Thông Tâm
Lá đòn gánh – củ bình vôi
Ai mến hành tôi
Ai mua tôi với
Sắn bìm Tùng Trúc mát sân lòng
Bình dân sẵn , Đài Trang Vương giả dạng
Tim anh ngôi báu tử hoàng
Tim anh bỉnh trị ngai vàng Em thương
Vắng má tươi hồng da mịn bóng
(tuổi bảy mươi lòng trong hình Ngoại)
Hỡi Hoa Anh : “Má em chừng bầu
Má em chừng núng
Có phúng có phính thật chăng?”
(hồi phục đến gia tăng)
Để anh nhìn ngắm rồi Anh thưa : “
Thưa rằng trộm liếc dung quang thành thật
Rẽ rành rõ ràng lời định đáp :
“Em có cả đời Vàng
Bầu máu nóng hồng nhiệt tính
Chính đáng nhiệt tình
Đem lòng song chuyển đời đen – năng động đa năng
San phẳng san bằng mọi bất bằng”
Năm Như Như Như Đạt
Thường Hằng
(Vĩnh cửu gia tăng)
P.C.T.B.

Và thứ dùng để viết nên những lời thơ đầy tình tứ đó… là… Bút lông màu

Ngày đó, Ông tôi cũng rõ cảnh nhà, chỉ bán chè và bán thuốc Tây, không đủ ăn. Cuộc sống xóm làng ganh ghét vì lý lịch nhà tôi không tốt. Người ta, mà nhiều khi buộc tôi phải dùng những từ ngữ cực kỳ khinh miệt, chế giễu nhà tôi, cười nhạo Ông tôi, dèm pha, lời ra tiếng vào, cũng chỉ vì cái từ “lý lịch không tốt”. Ông tôi chỉ có những cuốn sách, những cuốn sổ tay, những thứ đầy văn thơ hoa mỹ, những tích tuồng làm bạn trong những năm về già. Ông viết rất nhiều, bút lông rất nhanh hết mực. Ông biết điều đó nên chỉ khi nào hết mực mới mua cây bút khác. Nhưng đâu phải một bài thơ chỉ viết với một màu mực là thành nên một tác phẩm? Ông tôi thích màu sắc. Thỉnh thoảng mua nhưng Ông nhìn những cây bút khác với một ánh mắt buồn buồn. Đợt đó, cậu Năm tôi về, mua một loạt hình như là khoảng hơn 20 cây bút lông màu cho Ông Ngoại. Khỏi phải nói Ông vui đến chừng nào. Niềm vui nhỏ bé đến từ những việc làm nhỏ bé để lại trong lòng người những chiếc gương đong đầy kỷ niệm.

Và còn nhiều thứ khác nữa mà không tài nào nói hết được về Ông tôi.

Ông và cháu.

Chẻo của Ông Ngoại ra đời khi cảnh nhà còn rất khó khăn. Ngày qua ngày, cháu Chẻo của Ông Ngoại lớn dần và trở thành niềm vui tinh thần duy nhất ngoài những thứ kể trên. Đôi chân bé tí xíu nằm đấm nhè nhẹ (vì nhỏ quá không có lực) vào lưng Ông Ngoại, chỉ có vậy thôi mà Ông mê tít àh. Cứ hay bảo Chẻo đấm lưng lắm nha. Lại còn có câu thế này nữa nà. “Chẻo Chèo Cheo, cháu vàng, cháu bạc, cháu lục lạc, cháu đô la của Ông Ngoại…” hay là “Trái Bắp dễ thương thương thương của ông Ngoại” nè. Mà hình như, chỉ có tôi là nhiều tên cúng cơm nhất ở nhà mà phần lớn là Ông Ngoại tôi đặt.
Chẻo hay đi chơi đây đó với Ông Ngoại lắm nha. Đi Bình Định, đi Ghềnh Ráng, đi Mộ Hàn Mặc Tử, đi nhiều nơi lắm àh. Vậy mà Ông Ngoại vẫn dẫn cháu đi tuốt ấy chứ, có nề hà gì đâu. Bởi vì sao, vì chỉ có duy nhất Chẻo được diễm phúc là đứa cháu duy nhất ở bên Ông Ngoại nhiều nhất thôi àh. Cho nên Chẻo phải tận dụng chứ. Đúng không ông Ngoại? Cháu Chẻo thích nhất là những lúc Ông Ngoại giảng những tích truyện, tuồng cho cháu nghe đó. Dù cháu Chẻo hổng hỉu gì hết trơn nhưng mà vẫn thích nghe chất giọng trầm ấm của ông Ngoại cứ ngày ngày kể cho cháu nghe. Chả thế mà mới lớp 2, cháu Chẻo của ông Ngoại luyện xong hết bộ Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc, Thủy Hử mà nhớ như in luôn ấy chứ ạ? Nhưng có điều bây giờ cháu quên hết rồi ông Ngoại ơi… Lại còn những khi xem tuồng với ông Ngoại chứ, Chẻo đúng là coi được khoảng 10 phút mở đầu là buồn ngủ rồi. Duy nhất tuồng “Lữ Bố hí Điêu Thuyền” là Chẻo coi từ đầu đến cuối vì Ông Ngoại giảng giải cho nghe đầy đủ, dễ hiểu và cũng vì Chẻo đang là đệ tử miệt mài của bộ Tam Quốc nữa. Đúng là không gì hay bằng những thứ tinh hoa mỹ miều của đất Bình Định.

Ông Ngoại già rồi mà tính tình y như con nít nha. Hồi đó con làm cho bà Ngoại một bài đồng dao, vậy là ông Ngoại cũng bắt con làm cho ông một bài. Hồi đó con mới học lớp 2 thôi àh, con đâu có biết gì đâu, làm vu vơ, vậy mà Ông Ngoại đọc đi đọc lại hoài, mà còn chép lại rồi đóng khung cẩn thận nữa chứ. Cháu thích lắm đó Ông ơi.

Dù bây giờ, Chẻo vẫn còn hay đọc lại những bài thơ của Ông Ngoại lắm, nhưng cũng quên nhiều lắm ạ. Chỉ còn giữ lại những cuốn sổ tay, với những bài thơ, những màu bút lông khó phai nhạt theo thời gian còn in đậm mãi lòng người với nhiều điều luyến tiếc cũng như hài lòng… Nhưng Chẻo biết, Ông Ngoại của Chẻo không chỉ là như vậy.

Chẻo nhớ Ông Ngoại lắm, ông Ngoại ơi…

CÒN LÂU

Anh biết còn lâu Em về
Oanh lồng ngóng ngọng, Liễu hè mòn trông
Em thăm con, Em lâu về
Mỏi mê ngồi đứng dại tê chân tình
Nằm chi ?! Khỏi rất mọt mình
Buồn trông tơ nhện giăng đình màn lai
Nói chi ! – Bé Thảo bải bai
Út cầu hóm hỉnh , Út Hai lùng bùng
Nín chi ! Khép kín cung lòng
Vi Đô nhạc trổi tơ đồng khơi trên
Sài ba Quy Hai nuông chiều
Sóng Cảng thương tưởng thủy triều nghĩa nhơn
Đầu Em Quỳnh út cưng chiều
Hai ca tiếp cận cơm trưa chiều tối ăn
Ca Ba trời tối khăng khăng
Quốc phòng cô lẻ dặm băng đóng Quỳnh
Đầu Em Toán học văn hào
Chánh khóa phụ đạo hoa chào sanh viên
Dạy chuyên nghiệp – Chơi nhạc Tây Nguyên
Mẹ hiền thỏa gặp Cha hiền vời trông
Đầu Em đài đá thành đồng
Hy sinh đỉnh tột nguồn trông biển nhờ
Chùm thuyền cặp bến vui bờ
Cổ quăng thân thiết Cầm kỳ phúc tâm
Đầu Anh sẵn đội Ngoại tôn
Gái ngoan Xíu Quậy bôn chôn biết điều
Hăm bốn tháng hiểu biết nhiều
Năm màu rành rẽ đỏ điều phân minh
Đầu Anh hóm hỉnh Út Cầu
Phương Anh mủm mĩm tươm màu cảnh trang
Khắp nhà Ngoại cửa thênh thang
Nâng già dạy tủ học tràn Anh Văn
Đầu Anh diễm lệ Thùy dương
Cương chiều chuộng quậy bình thường thông tâm
Đầu Em thỏa ước Nội tôn
Nhật Anh quý hiển non côn cánh bằng



P.C.T.B.
(30.7.2000 – 29.06 CANH THÌN – viết kỷ tích Nhật Anh 20 tháng 20 ngày muôn năm Vinh Thân Hiển Tộc Ký)