Monday, June 22, 2009

Cơm hến Huế


Tâm hồn ăn uống của tôi thường hay nghĩ đến những món ăn dù đã được thưởng thức hay chưa để làm phong phú cho menu thực đơn những món đặc sản của từng vùng... Đây là một bài sưu tầm được từ internet về món Cơm hến Huế. Mời các bạn cùng thưởng thức...


---------------------------------------------------------------------

Cái thuở ban đầu "cơm hến" nớ!...

Cơm Hến Huế cũng giống như tình cảm của người con gái Huế: Chắt chiu mà hào sảng, đơn giản mà thâm trầm.

Làm người Huế là một cái "nghiệp" vì nói như mấy o nữ sinh trường Đồng Khánh - những nàng tiên áo trắng dịu hiền, cắn cơm không bể cắn tiền bể tư - rằng: "Huế là quê hương đi để mà nhớ, chứ không phải ở để mà thương". Trái lại, biết ăn Cơm Hến Huế là một cái "duyên" vì dù ở bất cứ phương trời nào, cơm hến cũng là một tấm giấy thông hành tình cảm để cho những người có chút duyên nợ với Huế tìm về nhau mà chan, mà húp, mà nghẹn ngào và rơm rớm nưóc mắt vì...cay!

Không phải người Huế nào cũng biết ăn, thích ăn và ghiền ăn cơm hến, cũng như không phải ngưòi Bắc nào cũng khoái rau muống bảy món và người Nam nào cũng mê cá rô kho tộ. Ăn cơm hến có "ăn dòng" và "ăn theo". Ăn dòng là những người Huế chính thống, sinh ra từ miệt An Hòa, An Lăng, An Cựu, Bao Vinh, Vỹ Dạ, Chợ Dinh, Chợ Nọ trở vào thành phố, đó là những người mới sinh hôm trước, sáng hôm sau đã có o bán cơm hến gánh triêng gióng, nồi niêu ngồi lù lù ngay trước cửa nêm cơm hến rồi. Còn ăn theo là dân Huế thuộc phận gái chữ tòng hay thân trai dài lưng tốn vải từ quê lên tỉnh học hoặc trong Quảng ra thi rồi "lỡ bước sang ngang" mà ở lại đất Thần Kinh. Với những gã si tình nhưng tình không si lại mà gặp những trận mưa héo úa tâm hồn của Huế, thì cơm hến là cơm "phù thủy" và đây là đất Thần Kinh.

Nhất ẩm nhất trác còn giai do tiền định- ăn một miếng, uống một hớp đều có trời cao định đoạt- huống chi là cái sự... ăn cơm hến. Luận về cái tính tiên thiên tiền định trong cơm hến tôi cảm thấy đã đến lúc cần phải phát huy tinh thần "về nguồn" của một người con dân xứ Huế, nghĩa là thử nhớ lại mình đã tìm đến với cơm hến khi mô, như Ngưu Lang đã gặp và mê Chức Nữ trong trường hợp nào.

Làng tôi ở cách Thành Phố Huế khoảng 10 cây số. Quanh làng có đủ sông hồ ao lạch với nhiều loại hến trùng trùng điệp điệp, rứa mà chẳng hề nghe ai trong làng tự nấu cơm hến cả. Bao nhiêu hến bắt được đều đem ra nấu canh, nấu cháo và xào hến. Thỉnh thoảng tôi vẫn nghe nam thanh nữ tú trong làng nói đến "cơm hến bên Cồn" một cách trang trọng và hào hoa như khi nói đến cơm ngọc Giang Châu hay cơm chiên Thượng Hải. Tuổi thơ, tôi vẫn mơ một ngày nào đó lên Huế học, được dắt tay một cô nàng áo trắng, đội nón bài thơ trên mái tóc thề thần thoại để hai đứa cùng qua ăn cơm hến bên Cồn.

Ngày đó tới, khi tôi 17 tuổi, học lớp Đệ Nhị trường Quốc Học. Tôi đến thăm nhà một người bạn cùng lớp ở vùng Chợ Xép, người bạn có cô em gái xinh xinh học ban C trường Đồng Khánh. Tôi thuộc loại con nhà nghèo, trai quê, học giỏi nên cũng dễ dàng lọt qua mắt xanh của mấy cô tiểu thư chợ Xép có bà già là tiểu thương chợ Đông Ba. Bởi vậy ngay hiệp sơ ngộ ra mắt, tôi đã được chiêu đãi cơm hến, sau khi bà già mời "phủ đầu" một cách rất chi là... Huế:

- Nì, buổi sáng con ưng ăn chi hè? Cơm hến hỉ?

Một thoáng, tôi nghĩ nhanh về hình ảnh cơm hến bên Cồn mà cảm thấy lặng người vì xúc động. Tôi trả lời, không phải với bà già đứa bạn, mà với một hình ảnh trong mơ nào đó:

- Điểm tâm mà được ăn cơm hến bên Cồn thì tuyệt.

Bà già khen một cách ngọt ngào làm tôi chột dạ:

- Ngó bộ con cũng rành ăn cơm hến dữ hí!

Bà bỗng cất tiếng gọi với vào bên trong:

- Út của mạ mô rồi? Ra kêu thím Bòng Cồn Hến gánh cơm vô đây con.

Có tiếng "dạ" nhỏ nhắn vọng ra từ bên trong. Rồi cô em gái người bạn học bước ra phòng ngoài, nơi có những "bậc rành ăn cơm hến" đang ngồi đợi. Thấy tôi, cô bé cất tiếng chào lí nhí, cái "lí nhí" chết người của những cô gái Huế.

Cái ngõ có hai hàng gia tàu xanh bỗng sáng lên vì màu áo lụa hồng và mái tóc dài vờn bay miên man của cô bé tìm cơm hến. Tôi chưa ăn mà đã cảm nhận được "răng mà cơm hến ngon dễ sợ!"

Thím Bòng đặt cả giang sơn cơm hến trên đôi vai gầy guộc của thím. Trời mùa hạ, nắng tháng tám nám trái bưởi, vậy mà thím vẫn mặc chiếc áo dài nâu, chân chạy, vạt áo dài bay lất phất. Lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn một gánh cơm hến truyền thống của Huế. Thực tế không lãng mạn và nên thơ như tôi tưởng tượng "trong cơm hến có xác sông Hương và có hồn núi Ngự". Gánh cơm hến nhỏ nhắn thế kia mà chứa đủ cả một giang sơn khói lửa đủ mắm ruốc tiêu hành. Một đầu là nồi nước luộc hến đặt trên bếp lửa có sức nóng vừa phải, nóng quá thì nồi nước bốc hơi mà nguội quá thì nước hến không đủ ấm. Đầu gánh bên kia là cả một "câu lạc bộ" thu nhỏ: "Tầng trệt" là thúng cơm, tầng hai là rau đủ màu, đủ loại. Tầng "chót vót" vừa ngang tầm tay người ngồi là cái trẹc lớn bày biện hơn chục cái chai, thẩu, tô, chén. Mỗi cái đựng một thứ gia vị đặc biệt; từ ruốc, muối, mè, ớt, bột ngọt, tóp mỡ đến hến luộc, hến xào, hến trộn... Quanh hai chiếc gióng mỏng manh vẫn còn chỗ để treo ba bốn cái đòn cho khách sang không quen ngồi chò hõ. Đặc biệt nhất là cái thau nước rửa chén cỏn con mà rữa hoài không cạn vì thím Bòng "chùi" nhiều hơn là rữa!

Bà mẹ người bạn giục thím Bòng:

- Thím làm cho một tô đặc biệt để đãi khách quý. Cháu ni ở miệt dưới làng nên ăn cơm hến rành rõi lắm. Thím gia đồ màu sơ sơ thôi, rồi để đó cháu Út nêm lại cho mặn miệng.

Thím Bòng nhìn tôi một phát từ đầu tới chân và vừa hỏi vừa chuẩn bị tô cơm hến:

- Rứa "chơ" cậu ở mô lên?

Tôi đáp không một chút e dè hay đề phòng gì cả:

- Dạ, con ở vùng Quận Hương Trà.

Nghe xong, thím Bòng cười tủm tỉm một cách bâng quơ mà kiêu bạt như ca sĩ Paris By Night cười ca sĩ Karaoké hát trong quán cóc Sài gòn. Thím phát biểu làm tôi giật mình:

- Dân miệt ruộng có người bạc "trốt" chưa biết cơm hến mặt ngang mặt dọc ra răng, rứa chơ cậu ni biết ăn cơm hến hồi mô?

Tôi liền trả lời ra cái vẻ anh hùng sành điệu mà sau nầy nghĩ lại, thấy mình u mê không thể tả:

- Dạ, con biết ăn cơm hến từ lúc mạ con mới đẻ.

Thím hỏi lại:

- Ngó bộ hồi nớ cậu bú sữa hến chơ chi nữa!

Biết là đang gặp đại chưởng môn cơm hến, tôi im re luôn. Bà già người bạn thắc mắc:

- Khi hồi thím nói chi hè? Dân ở miệt dưới làng không biết ăn cơm hến răng?

Thím Bòng lên giọng nói làm đày:

- Hử, khỏi nói cũng biết! Dân trưa ruộng ăn chắc mặc bền, ăn cơm hến vô, ra làm mạnh tay vài tráo là cái bụng xép ve, còn hơi sức mô nữa mà cuốc đất lật cỏ.

Câu trả lời rất bình dân học vụ của thím Bòng đã giải đáp được sự thắc mắc nhiều năm của tôi rằng, "Tại sao cơm hến thịnh hành quanh thành phố Huế và vùng phụ cận nhưng lại vắng bóng trên quê tôi?" Câu trả lời rõ ràng là tại vì cơm hến dễ tiêu, mau đói, không thích hợp cho những người làm lao động nặng như nông dân.

Thím Bòng miệng nói nhưng tay vẫn thoăn thoắt múc, trộn, thêm, bớt, pha chế để đưa tất cả hương vị chuẩn bị sẵn vào tô cơm. Nhìn bàn tay cần cù và vẻ mặt đam mê của thím, tôi có cảm tưởng đang xem nhạc trưởng của một giàn nhạc giao hưởng.

Cô em gái người bạn chừng như đã quen rơ "nhạc trưởng" sẽ điều khiển ban nhạc chơi tấu khúc nào tiếp nên đã lẹ làng đón tô cơm hến từ tay thím Bòng. Cô múc một chút nước từ trong tô và tự nhiên đưa lên miệng nếm "chíp" một cái ngon ơ. Tôi có thể nghe tiếng gió gào và nước cuốn chạy qua đôi môi chín mọng chúm lại tròn xoe của cô. Tôi có thể "nhìn" được hương vị của cơm hến qua nét mặt với cái cau mày, cái nhăn mặt, cái gật gù, cái đăm chiêu...của ngưòi nếm. Biết có người đang theo dõi từng động tác của mình, cô em quét một cái nhìn nhanh như điện. Tôi bắt kịp tia nhìn ấy và nói thầm trong bụng: " Nếu đời mà có em nêm cơm hến, tôi sẽ ăn cơm hến suốt 100 năm, mỗi năm 365 ngày và mỗi ngày 4 bữa!". Chừng như để mở màn cho ước mơ "hoang dại" đó, cô em đưa cho tôi tô cơm hến có sẵn cái muỗng sành mà em đã đưa lên môi, lên lưỡi nếm nhiều lần. Tôi nhìn cô em như muốn hỏi: "Em có muốn tôi ăn chung muỗng với em không?". Bà mẹ giục:

- Ăn đi con. Cơm hến phải ăn nóng, ăn xốc vác mới ngon. Để lâu cơm nở, rau xìu, hến nguội mất ngon.

Tôi "dạ" ngoan ngoãn, nhưng hơi ngỡ ngàng vì chưa biết cơm hến phải ăn như thế nào cho đúng điệu. Nhìn lớp ớt đỏ như phù sa sông Hồng phủ trên mặt tô mà tôi chột dạ. Đến nước nầy thì tôi hết đường lựa chọn. Đã trót lên ngựa thì phải ra roi nên tôi xúc muỗng cơm hến đầu tiên đưa lên miệng. Cảm giác tức thời là mùi thơm ngây ngất của các lọai rau, khế, chuối cây, chuối bắp hòa với vị ngọt mượt mà của nước hến, vị mặn nồng nồng của ruốc, vị béo ngầy ngậy của tóp mỡ, vị chua thanh thanh của khế, vị chát the the của chuối và nổi bật nhất vị cay quỷ khốc thần sầu của ớt tương. Muỗng cơm hến "khai hỏa" đối với tôi có một mùi vị nồng nàn vừa quen vừa lạ. Cái quen đến từ những chất liệu truyền thống của quê hương và cái lạ phát ra từ cách pha trộn và chế biến.

Muỗng cơm hến thứ hai vừa ăn xong hình như có một cái gì làm tôi chững lại. Một cảm giác nóng bỏng chạy dài râm ran từ cổ họng, lên hai mang tai, tràn qua mắt, trôi vào mũi. Tôi chợt nhận ra đây là cái cay ác liệt của ớt tương mà cả thím Bòng và cô em gái bạn tôi đã thi đua trỗ tài nêm vào tô cơm hến.

Muỗng cơm hến thứ ba đủ sức đánh tan những mộng mơ và thành sầu chất ngất trong tôi. Mồ hôi, nước mắt, nước mũi chan chứa chảy dài. Mẹ người bạn lên tinh thần cổ võ:

- Ăn cơm hến phải cay hít hà như rứa mới ngon!

Nhìn phần còn lại của tô cơm hến, tôi thấy mênh mông như biển hồ lai láng. Để rút ngắn con đường chịu đựng gian khổ, tôi nghiến răng nhắm mắt ăn một lèo sạch tô cơm hến như Kinh Kha phi ngựa sang Tần. Than ôi! hành động chạy làng nầy lại được diễn dịch như một người khát khao ăn cơm hến nhiệt tình. Mắt tôi muốn hoa lên khi nghe mẹ người bạn kêu thím Bòng: "Cho thêm tô nữa nhanh lên ăn cho kịp". Và, lòng tôi chùng xuống, sũng nước mưa Thành Nội, khi nghe cô em gái người bạn hỏi nũng nịu: "Em nêm cơm hến như rứa anh có thích không?". Tôi dám chắc rằng, cho dù Từ Hải với râu hùm, hàm én, mày ngài có sống dậy, cũng không đủ can đảm trả lời "không" với một người con gái Huế đã mở lời qua nét nhìn e ấp nhưng sâu thẳm, với đôi môi cười chúm chím và đôi má ửng hồng, cho nên tôi đã trả lời giống như mấy tỷ thanh niên đa tình mà dại dột trên trái đất nầy:

- Có, anh thích lắm!

Hậu quả của câu trả lời nầy là tôi bị "ban" cho một tô cơm hến nữa. Tôi chỉ kịp van vái: "Bà mụ ơi, cứu con với!". Trước khi bà mụ kịp ra tay cứu độ thì tô cơm hến long lanh màu ớt đỏ đã sẵn sàng trước mắt. Tôi ở trong tình thế phải giữ gìn tiết tháo của chàng trai nước Việt "thà chết chớ không hề lui" nên âm thầm lên phương án: Bước một là múc xác ăn trước cho đỡ cay và bước hai là húp một lèo cạn tô tới mô thì tới. Tiến trình bước một đang tiến hành đẹp như mơ thì bị bà mẹ bạn phát hiện:

- Người ta nói "khôn ăn 'nác', dại ăn xác". Cơm hến, phải ăn đều nước, đều xác mới ngon. Út mô rồi? Thêm cơm cho anh đi con!

Dưới sức ép đầy tình cảm thân thương của gia đình người bạn, tôi chỉ còn biết trân trọng chìa tô cơm hến lõng bõng toàn cả nước ra cho cô em thêm chén cơm đầy vào. Tô cơm hến lại đầy như xưa! Dẫu sao, tôi cũng phải đi cho trọn đường trần may ra thoát hiểm bằng cách ngồi nhích ra xa, hít một hơi thật sâu để nâng cao tinh thần chiến sĩ và húp một hơi dài cho đến khi nước cạn trong tô. Tưởng đã qua cơn sóng gió, ngờ đâu tôi húp kỹ quá, âm thanh nước cạn réo lên như hút thuốc lào đã làm bà mẹ bạn chú ý. Tôi chỉ còn biết kêu lên nho nhỏ "mẹ ơi!" khi nghe lời ra lệnh như điệu nhạc thúc quân của bà mẹ:

- Út ơi! Thêm nước và nêm đồ màu vô tô cơm hến của anh đi con!

Trên đường về lại, bụng tôi cồn cào vì quá tải cơm hến và cái cay giờ lưu lại một cảm giác tê tê ở đầu lưỡi. Giá như nhà thơ Thế Lữ có đi ăn cơm hến Huế lần đầu, thưởng thức cái cay và cái ngọt ngào của Huế thì cũng phải kêu lên:

Cái thuở ban đầu... "cơm hến" ấy,
Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên (!)

Bắt đầu làm quen với cơm hến Huế là kể như bị trúng độc hoa tình giống trong truyện kiếm hiệp, nghĩa là sẽ đi đến chỗ thích cơm hến Huế, thèm cơm hến Huế và ghiền cơm hến Huế cho hết cả một đời sau. Trúng độc hoa tình thì khó tìm ra thuốc giải, nhưng ghiền cơm hến Huế thì "giải" rất dễ. Muốn biết cách giải như thế nào, xin xem tiếp hồi sau sẽ rõ.

Luận về cơm hến Huế

Cơm hến Huế, thật ra, là món cơm đạm bạc của con nhà nghèo mà nguyên thủy, theo cụ Trần Văn Tường, giáo sư Hán văn trường đại học sư phạm Huế, thì chỉ gồm có canh hến chan với cơm nguội, thêm một chút rau tươi và gia vị. Thường thường canh và cơm ăn còn thừa hay cố ý để dành lại từ bữa cơm chiều hôm trước cho sáng hôm sau, vì vậy cơm hến truyền thống phải ăn với cơm nguội mới ngon. Mỗi hột cơm nguội qua đêm sẽ nằm ngoan ngoãn trong tô cơm như cô dâu ngày cưới, không nhão nhoẹt, không bốc hơi nóng làm cho rau bớt dòn và gia vị bớt hương thơm. Cơm hến là món ăn điểm tâm "cây nhà lá vườn" mang tính "kinh tế và kiệm ước" cao nhất của người bình dân xứ Huế. Những món ăn điểm tâm của Huế, nếu xếp loại theo giá cả từ thấp đến cao sẽ là:

-Cháo gạo
-Khoai sắn
-Cơm hến
-Xôi bắp
-Xôi chấm muối mè
-Bún nước mắm hay bún mắm nêm
-Bánh bột lọc
-Bánh bèo
-Bánh nậm
-Xôi thịt hon
-Bún bò
-Mì phở...

Giá cả có thể thay đổi chút đỉnh tùy theo mùa, theo "thời thế" và theo vùng, nhưng cơm hến vẫn chiếm giải xuất sắc, không nhất cũng nhì, về giá cả bình dân và phẩm chất hảo hạng, nói một cách nôm na là hội đủ "tứ khoái": No, ngon, bổ, rẻ.

Cơm hến Huế gắn liền với Cồn Hến. Cồn Hến thường được coi như là quê hương nguyên thủy của cơm hến. Cơm hến "chánh hiệu nai vàng phải là cơm hến bên Cồn". Mấy thím, mấy o bán cơm hến gia truyền thường có cái tưóc hiệu "Cồn Hến" kèm bên cạnh tên cúng cơm" như Thím Bồng Cồn Hến, O Gái Đò Cồn để khỏi lầm với Bà Năm Sa Đéc, Người Đẹp Bình Dương.

Theo tương truyền do mấy cụ già địa phương có tổ tiên là các bậc khai canh, khai khẩn kể lại thì Cồn Hến là do xác hến bốn phương từ suối khe của dãy Trường Sơn đi xuống; từ ao hồ, sông lạch đổ ra sông Hương đi lên; từ biển Đông qua cửa Tư Hiền, Thuận An đi vào, tụ lại qua nhiều đời, nhiều giai đoạn mà thành cái gò nổi có một vị trí về địa lý rất cao sang, được mệnh danh là "Tả Thanh Long" để đối lại với "Hữu Bạch Hổ" chiếu theo khoa Địa Lý và Dịch Lý Đông Phương. Dân chúng thấy cái cồn với vô số hến xung quanh bờ nên gọi một cách nôm na là Cồn Hến. Cồn Hến còn được coi như là một "thánh địa" của hến. Dân chúng sống trên Cồn thường có lễ tế long trọng hàng năm vào tháng bảy. Xưa kia có nhiều năm mất mùa, hến di chuyển đâu mất không còn một con, dân sống ở Cồn Hến tin rằng, hến bỏ Cồn rủ nhau ra đi là vì người dân Cồn "thất lễ" với hến. Thế là các vị bô lão, các vị tộc trưởng, các thân hào nhân sĩ địa phương tổ chức nghi lễ trang trọng có đủ cờ quạt, lọng tàn, có phường nhạc bát âm đi theo các ngã rẽ của giòng sông Hương tiếp cận với sông Bồ trước khi ra biển Đông để khấn vái, cầu xin hến trở về. Sau đó, không ai giải thích được là do hiện tưọng di chuyển tự nhiên theo mùa hay do "linh ứng" mà hến trở lại dồi dào như xưa. Dẫu sao thì tín ngưỡng và thần thoại cũng góp phần làm cho tô cơm hến có thêm một chút hương thơm phảng phất mơ hồ của gia vị "Đào Nguyên".

Giống hến lý tưởng cho món cơm hến Huế phải là loại hến nhỏ xíu nằm dưới sông Hương chung quanh vùng Cồn Hến. Có một đơn vị đo lường không hợp với tinh thần toán học nhưng lại nên thơ vô cùng được dùng để mô tả vóc dáng của loài hến này là "lớn bằng móng tay út của ba cô trong nội". Dĩ nhiên không phải là "công tằng bà chằng Đại Nội" mà phải là một nàng tôn nữ xinh xinh như cô công chúa ngủ trong rừng hay ít ra cũng là:

Công tằng tôn nữ trong cung,
Con út, chưa chồng, mình hạc xương mai.

Bởi hến nhỏ nhưng mà nhìn dễ thương, nên một số dân Huế quen gọi là hến "chép chép". Cũng có người gọi là hến gạo hay hến sẻ.

Có dịp so sánh về mùi vị giữa hến Cồn và hến các nơi khác mới thấy được cái vị ngọt rất thanh và mùi thơm nhẹ nhàng độc đáo của hến Cồn. Ai cũng biết hến là giống sống trong bùn đất nằm sâu dưới nước. Vì vậy, đặc tính thủy thổ của môi trường sống khác nhau đã làm cho màu sắc và mùi vị hến của vùng nầy khác với vùng kia. Giải thích về tính chất đăc biệt của hến Cồn, ông Nguyễn Khoa An trong cuốn sách nghiên cứu về sinh vật học "Hiện Tượng Thiên Di" (Nam Sơn, 1976) có viết rằng: "Nước sông Hương trong vắt quanh năm vì thượng nguồn phát nguyên từ vùng núi đá già Trường Sơn, mang rất ít phù sa và chất phèn trong nước. Rong rêu dưới lòng sông xanh mướt và phát triển một cách đầy sức sống dưới ánh sáng mặt trời không bị giòng nước che khuất. Các giống sinh vật sống dưới sông Hương như tôm cá và nghêu, sò, ốc, hến cũng nhờ vậy mà có được phẩm chất rất ngọt và thơm hơn các vùng sông biển khác..."

Có người đi xa hơn trong việc nhận xét cái "khoái khẩu" của hến Cồn. Họ cho rằng Cồn Hến là giao điểm giữa sông và biển trên giòng Hương Giang vì hàng năm, vào mùa Hạ, nước mặn Biển Đông tràn qua cửa Thuận An lên tới Cồn Hến... nên con hến vùng Cồn tiếp thu và kết tụ tinh hoa của cả Trường Sơn và Nam Hải. Và, họ kết luận một cách dễ dãi như hò ru em: "Hến Cồn ngon hơn chỗ mô hết là vì rứa!"

Trong những cuốn sách dạy nấu món ăn Việt Nam, do các "Hỏa đầu quân Bắc Đẩu" của cả ba miền Bắc, Trung, Nam như Triệu Thị Chơi, Hoàng Thị Kim Cúc, Thanh Vân cũng không nghe ai nói về cơm hến. Vì vậy, người viết bài nầy phải dày công nghiên cứu về cái "mẹo" nấu cơm hến bằng cách gặp bà nào có vẻ giống... Thị Hến là xin phỏng vấn liền. Thêm vào đó, kinh nghiệm bản thân có duyên nợ với cơm hến cũng khá dày dạn phong trần. Vả lại, kỹ thuật nấu cơm hến nó không giống với công thức luyện thuốc trường sinh, nếu có trật chút đỉnh thì cũng chẳng chết ai nên xin trình bày như vầy:

Cơm Hến Huế

I- Nguyên liệu:
- Hến tươi
- Mỡ heo tươi
- Bún tàu
- Mè
- Đậu phụng
- Rau đủ loại
- Cơm

II- Gia vị:
- Ruốc
- Ớt bột
- Muối
- Gừng
- Dầu
- Bột ngọt
- Tiêu, hành, nước mắm.

III- Cách thực hiện:

* Giai đoạn 1: Sửa soạn.

- Hến tươi rữa sạch. Nếu hến vừa mới bắt, cần nhốt vào nước trong vài ba hôm để hến có thời gian thải những chất bùn trong ruột. Nước trong pha chút muối nấu sôi và cho hến vào luộc chừng 30 phút. Xong vớt hến ra và giữ lại nồi nước luộc hến. Nếu muốn để dành hến lâu hơn thì cần cho vài lát gừng tươi vào nồi nước hến để giữ mùi thơm và ăn khỏi "lạnh bụng"
- Tách hến ra khỏi vỏ. Xào hến với gia vị (tiêu, hành, nước mắm) và bún tàu cắt ngắn chừng vài ba phân.
- Nấu cơm chín xong, bới ra, để nguội.
- Mỡ heo xắt mỏng và nhỏ, đem lên rán cho vàng và chỉ lấy xác, đổ nước mỡ. Món nầy được gọi là tóp mỡ.
- Rang muối mè chín và để nguội.
- Nấu vài ba muỗng dầu cho sôi, rồi bỏ ớt bột vào để làm thành ớt tương dầu.
- Xắt nhỏ và trộn tất cả các loại rau lại với nhau.
- Trộn ruốc tươi với một phần tư chén nước lọc hay nước sôi để nguội, khuấy đều.

* Giai đoạn 2: Trình bày.

- Cho rau thập cẩm vào tô, trộn với vài ba muỗng canh đầy hến xào. Chan nước luộc hến nóng vào tô.
- Nêm các loại gia vị chuẩn bị sẵn như tóp mỡ, muối, ruốc, mè, ớt và trộn đều.
- Cho cơm để nguội vào tô nước hến có đủ rau và gia vị.
- Kiểm điểm lại lần chót lượng gia vị cần thêm bớt cho hợp với khẩu vị của từng người.
- Hít một hơi thật nồng nàn để cảm nhận hết cái hương vị "liêu trai" của cơm hến, với một chút... hít hà, và... ăn! Ăn cơm hến cũng như thương người Huế, cần thương thật tình và ăn thật bụng. Đừng thử! Vì thử là chưa hết mình: Tình sẽ không nồng và ăn cũng mất ngon.

Có thể nói rằng, rau là linh hồn của cơm hến Huế. Mặc dầu rau trên quê hương xứ Huế không hẳn đã dồi dào như các nơi khác, nhưng mỗi loại rau dùng trong cơm hến đều có cái giá trị đặc biệt về "đất lề quê thói" của nó. Những loại rau, cây, lá... truyền thống thường dùng nhất trong cơm hến là: rau thơm, bạc hà, ngò, khế, bắp chuối và thân cây chuối sứ còn non. Ngoài ra, một số loại rau có mùi vị đặc biệt như rau má, rau giáp cá với mùi nồng thoang thoảng như cá tươi, rau tía tô với mùi vị cay cay như quế, rau húng với mùi dầu bạc hà... cũng được dùng tùy theo sở thích của mỗi người. Tất cả những món rau nhiều mùi, nhiều màu và nhiều vị hợp lại được cắt nhỏ để trên dĩa sẽ tạo ra một đài hoa xanh-tim tím-trắng với mùi hương "cơm hến" nồng nàn và vị "cơm hến" tuyệt vời tê tê đầu lưỡi làm mê man vị giác của khách sành điệu mới nếm lần đầu.

Hành Trình Cơm Hến

Lịch sử Cơm Hến Huế gắn liền với lịch sử của Thừa Thiên-Huế. Số phận của xứ này được đánh dấu từ tháng ba năm 1558, khi Nguyễn Hoàng xin anh rễ là Trịnh Kiểm vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Sau đó là cả một làn sóng người vào Đàng Trong để khai hoang lập ấp. Với bàn tay cần cù và óc sáng tạo, họ đi đến đâu, đất cát nở thành hoa quả áo cơm đến đó. Cuộc hành trình của cơm hến cũng lắm gian nan như bước đi của lớp người khai phá về Nam. Xuất thân là sản phẩm của dân nghèo, cơm hến vào tận cung đình và trở lại với đám bình dân, tuy vóc dáng có vẻ đài trang hơn, nhưng bản chất đạm bạc của người dân chân bạc dấu phèn vẫn còn nguyên vẹn.

Một ngày dựa mạn thuyền rồng,
Còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài.

Trước quan niệm ngang tàng thần thánh hóa giai cấp vua chúa và quý tộc thuở xưa, người dân chân đất đã phản pháo lại:

Con vua lấy thằng bán than,
Nó lên trên ngàn cũng phải lên theo.

Cơm hến đã đi vào cung cấm! Hoa đồng cỏ nội mà đã đi vào cung vua rồi cũng sẽ thành cành vàng lá ngọc. Cái huyền thoại nầy chỉ đúng với những cô gái quê hương sắc được tuyển vào cung và được vua sủng ái nhưng lại không đúng với trường hợp của cơm hến Huế. Chén trân châu không làm cho hến thành rồng và đũa ngọc không làm cho mớ rau- xanh- tim tím -trắng thành đuôi phụng. Một trăm năm triều Nguyễn rồi cũng qua đi, nhưng cơm hến vẫn còn mãi với nhân gian như quan trạng vinh quy mà không quên gốc gác của mình:

Cờ quạt long bào rền vó ngựa,
Công hầu một bước đời đang mơ.
Cây đa bến cũ, con đò nhỏ,
Ta vẫn là ta: Anh khóa xưa.

( Huyền Trân - Ngày đó)

Theo học giả Bửu Kế, giáo sư Đại Học Văn Khoa Huế (1968) trong giáo trình về lịch sử triều Nguyễn, thì những món ăn bình dân như bánh bèo, bánh khoái, cơm hến... sau khi được đưa vào cung vua, đã được tận dụng mọi phương tiện và kỹ xão trong nghệ thuật ẩm thực đương thời để biến chế, bày biện thế nào cho có vẻ sang trọng, cầu kỳ, đài các, thích hợp với khung cảnh và nếp sinh họat trưởng giả, vàng son của giới vua quan, quý tộc.

Cơm hến cũng không thoát khỏi cái số phận "áo xiêm ràng buộc lấy nhau" đó. Hến sau khi bắt ở Cồn về, chỉ lựa những con nào có vỏ màu vàng cháy, ba đêm dầm vào nước trong cho sạch chất bùn, ba đêm tiếp hến được thả vào trong nước mưa lọc kỹ để "thụ tính âm dương" và sau đó hến được đen dầm vào nước gạo loãng cho "thuần". Qua giai đoạn nầy, hến mười phần chết bảy còn ba. Sau cùng hến được thả vào nước sâm pha chế với nước lọc trước khi đem vào luộc. Cơm để ăn với hến phải là cơm nguyên hột nấu từ gạo "de" An Cựu, để nguội từ nửa đêm cho đến sáng. Các loại gia vị gần ba chục món khác nhau và rau ăn với hến hết sức cầu kỳ, tỉa gọt và tuyển chọn. Cũng theo cụ Bửu Kế thì "cơm hến" trong cung vua chỉ còn là một cái tên chứ thực chất là một loại cao lương nấu với hến nặng mùi sâm nhung, quế phụ. Các "mệ" thích nhìn "cơm hến ngài ngự" hơn là thích ăn nên vẫn thường lân la ra vùng ngoại thành thưởng thức cơm hến nguyên chất với giới bình dân.

Nhờ các vị thầy Tàu mà cơm hến Huế đã được "giải phóng" và lưu truyền một cách vừa đầy quê hương tính và cũng vừa đầy hương vị tính cho đến ngày nay.

Theo tài liệu được ghi trong "Ô Châu Cận Lục" của Lễ Thiên Dương Văn An và cũng theo tài liệu ghi chép trong Đại Nam Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1835) biên soạn thì sau khi Nguyễn Phúc Ánh thống nhất sơn hà và lên ngôi hoàng đế năm 1802, lấy hiệu là Gia Long, đặt kinh đô tại Huế, đất nước cũng như vương quyền đã trãi qua một thời kỳ thanh bình và thịnh trị. Đây là giai đọan mà các hàng vương tôn công tử thi đua tạo dựng một đời sống cực kỳ xa hoa và diễm lệ. Căn bệnh "thời đại" lúc bấy giờ là sự tổ chức tiệc tùng, ăn uống quá đà. Có quá nhiều người thuộc tầng lớp quan quyền và quý tộc bị mắc chứng vàng da, thình bụng, khó tiêu vì ăn uống quá độ mà thiếu vận động. Các thầy thuốc Nam thì quen quy vào cái khái niệm y học truyền thống quá mơ hồ và đơn giản như: " Tỳ suy vị yếu" và khuyến khích uống thêm thuốc bổ và ăn thêm đồ bỗ dưỡng. Kết quả là càng làm suy yếu hơn tình hình thể chất của giới con vua cháu chúa vốn đã quá tồi tệ vì thặng dư nhiều chất kích thích và dầu mỡ tích lũy trong người. Do đó, triều đình phải cho các sứ bộ đích thân đi mời những thầy thuốc người Tàu về chữa trị. Trong Nam Du Ký Sự của Lâm Chấn Trung (The Hong Kong Press, 1958), với tư cách là một vị thầy thuốc nổi tiếng vùng Hoa Nam được mời vào cung , kết hợp với kinh nghiệm của các danh y đương thời như Kiều Hành, Sử Kính Liêu... đã nhận xét rằng: "Người Nam Bang có thuốc mà nằm chết trên thuốc vì không biết dùng thuốc Nam để trị liệu. Cứ ỷ y vào thuốc Bắc nên hoặc là không có tiền để mua hoặc có tiền mà không có thuốc." Lâm Chấn Trung đã khuyên giới quý tộc thời bấy giờ là muốn có sức khỏe tốt, không cần phải uống thuốc bổ hay ăn sâm nhung quế phụ mà cần phải giữ "sự bình hành âm dương trong việc ăn uống" bằng cách tận dụng những sinh vật, ngủ cốc, rau cỏ ngay trong môi trường mình đang sinh sống, không nên mất công tìm kiếm đâu xa.

Xuất phát từ uy tín và lời khuyên của các vị thầy thuốc danh tiếng người Tàu, món cơm hến bình dân trước được đưa vào cung để chế biến thành sơn hào hải vị, nay lại được xem như là món ăn dưỡng sinh tốt nhất, hợp với thiên nhiên gồm những chất liệu mọc lên từ lòng đất của môi trường sống địa phương. Nhờ vậy, con hến bên Cồn được giới quý tộc rữa sạch và thả lại trong nước mát sông Hương trước khi luộc thành cơm hến. Các loại rau, chuối cũng giới hạn trong các loại rau quen thuộc trồng quanh vùng Thành Nội. Gia vị không còn đơn giản như xưa, nhưng cũng không bắt chước theo cách chuẩn bị kênh kiệu của cung đình.

Thật ra, cơm hến Huế ngày nay là một hình ảnh tổng hợp giữa cái đơn giản của "canh hến cơm nguội" nguyên thủy và cái xa hoa cầu kỳ của "cơm hến ngài ngự" ngày xưa. Nếu chỉ nói đến sự chi phí về tiền bạc cho một bữa cơm thân mật gia đình đãi khách thì cơm hến Huế là môi trường gặp gỡ bình đẳng và lý thú giữa giàu sang và nghèo khổ. Nếu chỉ bàn về nghệ thuật nấu nướng của một bà nội trợ trung bình thì cơm hến là một hình ảnh chung giữa cung cách thầm lặng tế nhị và thái độ phô trương kiểu cách. Nếu muốn nói đến ý nghĩa của một món ăn mang nặng tính quê hương thì cơm hến là sự kết hợp hài hòa giữa bình dân và quý tộc.

Năm 1992, sau hơn 10 năm xa quê, tôi về lại Huế. Buổi sáng đầu tiên thức dậy, chị tôi biết ý nên đã kêu một gánh cơm hến đợi sẵn. Buồn ngủ mà gặp chiếu manh, sớm mai trên đất Huế mà có cơm nguội và "cao lầu Cồn" thì còn nói năng chi nữa. Tôi ăn liền một lúc gần bốn tô cơm hến. Thật ra, bốn tô cơm hến Huế nho nhã và thanh lịch góp lại chưa đầy một tô xe lửa phở Hòa tại Mỹ, nhưng cũng đủ cho bà con hôm đó đồn rằng: "Cái chú nớ ăn cơm hến thiệt như thúng lủng khu!". Mẹ tôi già trên 90 tuổi, trí nhớ đã phôi pha, không còn đủ nhớ tên dăm đứa cháu xa nhà, nhưng vẫn còn sót lại bao ký ức yêu thương của những ngày tháng cũ khi nhìn tôi ăn cơm hến, mẹ nói một cách đơn giản mà thiết tha bằng hơi ấm phương Đông huyền diệu của tất cả những bà Mẹ Việt Nam:

- Hồi nớ, có khi mô mà hắn ăn cơm hến nhiều dữ rứa. Tội nghiệp thằng ni chắc đói thắt ruột lâu ngày ở bên tê. Mai mốt con đừng bỏ mạ mà đi mô nữa, ở lại với mạ, để mạ bán "ló", bán tre mạ nuôi.

Nghĩ đến ba tuần nữa, tôi lại bỏ mẹ mà đi và có lẽ gặp mẹ lần nầy là lần vĩnh biệt, tự nhiên miếng cơm hến sau cùng nghẹn lại trong cổ. Tôi để tô cơm hến xuống, hít hà kêu cay và chạy vội ra hè sau lặng lẽ khóc một cách ngon lành cho hết những giọt nước mắt nổi trôi. Tôi nói trong câm lặng, nói với mẹ, nói với bụi tre và cây dừa trước ngõ, nói với chính mình và nói với những tô cơm hến: "Thiệt đó mạ. Con đã thấm thía với cái đói ở quê người. Con đói không phải vì thiếu miếng cơm manh áo nhưng đói vì thiếu mạ, thiếu những khuôn mặt thân thương, thiếu mùi vị nồng nàn của đồng chua nước mặn và hơi hám của quê mình".

Hến cũng như người, nơi đâu mà chẳng có. Từ những con hến thoang thoảng mùi diêm sinh giữa vùng khe suối nhiều núi lửa quanh trại tỵ nạn Bataan heo hút, xứ Phi Luật Tân; những con hến Hồng Kông to bằng hột mít, đến những con hến tròn trịa vùng định cư xứ New Orleans bắt lên từ giòng sông Mississippi dài nhất thế giới, và hến nặng mùi bùn non đầy dẫy ven bờ sông American bao quanh thủ phủ xứ California, tiểu bang có đông người Việt nhất ở nước ngoài... đều có một bản chất chung là "hến", nhưng mỗi loài hến đều có cái mày vẻ riêng tư và độc đáo của giang sơn sinh ra nó như "Nam quốc sơn hà Nam đế cư " rứa đó.

Thử ăn một tô "cơm hến nước ngoài" mới cảm nhận được tinh thần sáng tạo "Anh phải sống" của những nhà... cơm hến bên ni. Thiếu hến Cồn, người ta dùng loại sò xanh (Green Mussel) nhập cảng từ Thụy Sĩ là nơi có non xanh nước biếc không thua gì xứ Huế. Sò xanh Thụy Sĩ luộc lấy nước và xắt nhỏ thay hến rất dễ làm cho khách ghiền cơm hến xa Huế ngàn dặm "lạc bước bên Cồn". Thiếu khế thì dùng cây cần Tây (Celery) xắt mỏng dầm vào giấm. Thiếu bắp chuối sứ thì dùng bắp su tím cắt thành sợi thế vào. Thúy Vân còn thay được Thúy Kiều huống chi là cơm hến, miễn sao khách tha hương ăn cơm hến cũng "dễ nuôi mau lớn" như chàng Kim Trọng là được!

Dân Huế và những người yêu Huế xa quê, có tô cơm hến nằm ở một góc nào đó trong mớ hành trang của ký ức. Trên quê người, nhất là tại các nước Âu Mỹ phồn vinh bậc nhất ngày nay, với những món ăn tinh hoa truyền thống lừng lẫy của nhiều nước trên thế giới, cơm hến trở thành khiêm tốn và đơn sơ như một cụm hoa bưởi, hoa ngâu trong vườn thượng uyển. Nhưng vườn thượng uyển là đất chung của cuộc đời mà hoa bưởi hoa ngâu là ngõ sau để ngó về Quê Mẹ. Cơm hến cũng như bà mẹ quê Việt Nam: Lui cui lút cút thế thôi, đơn sơ chất phác thế thôi, nhưng không có một kỳ quan nào của vũ trụ nầy sánh được với trái tim của Mẹ.

Sunday, June 21, 2009

Đồ cũ

Trong nhà nó có khá nhiều đồ cũ. Để không đủ chỗ mà mỗi tháng nó còn phải đem bỏ rác bớt vài thứ. Toàn đồ cũ. Nhiều nhất là quần áo. Cái kho quần áo của nó bây giờ đếm lại trừ những áo quần mua từ lúc nó còn bé tí tẹo đến khi nó học lớp 5, trở đi đều là đồ cũ. Mà cũng bởi nó có người dì rất thời trang và sành điệu, shopping lác mắt, mua về toàn là cất trong tủ, lựa bộ thiệt là ưng ý mới khoác lên người. Có thế thôi nhưng mỗi tháng đi shopping đâu vài ba lần gì đó. Và nó, là con cháu duy nhất trong ba người con gái của Ngoại, thừa hưởng hết mỗi khi dì nó sale-off đám đồ miễn phí cho nó. Chẳng thà nó bận còn hơn là đem bỏ rác mà đồ còn mới tinh.

Mà đồ cũ dùng cũng thấy nhiều thứ vui lắm đấy chứ. Đồ cũ, sách vở cũ, áo quần cũ,... mỗi thứ đều có những điều khác lạ để tìm hiểu. Đó cũng là một cách gây dựng "quỹ đen" và cũng là cách tiết kiệm mà có câu là "Tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm". Đúng là ngộ ! Má nó ít khi mua áo quần cho nó, lý do là, nó đang tuổi lớn, mua về mặc vài bữa là chật ngay. Cũng có lý. Thành ra nó không phàn nàn gì nhiều. Miễn có đồ bận là OK rùi.


Thỉnh thoảng đồ bận nhiều quá, nó cũng phải quyết định đi sale-off hết cái đám đồ mặc không còn vừa vào người nó nữa. Nhưng nó vẫn thấy tiếc, tiếc cho một điều gì đó mà nó không định hình được...

Nhiều khi cái chủ trương Tăng xin, giảm mua đó làm cho nó phải khó nghĩ bởi vì kiếm mãi mà không ra được đồ nào mặc cho vừa được. Bởi vì nó cũng lớn dần và đám đồ đó sau khi dì nó đi Mỹ thì bắt đầu chật dần. Má nó thì kiên quyết không mua đồ. Thôi ráng chịu đi, miễn có đồ bận là OK rồi. Câu này là muôn thuở không thay đổi.


Và chủ trương mặc đồ cũ ấy đã tác động đến nó ít nhiều. Nó không thích đi shopping (do không có $ để mà mua), nó không thích đi lựa đồ để mặc, quan trọng nhất, nó không thích đi mua đồ. Bởi vì khuôn mặt muôn thuở khi đi mua đồ để mặc cùng với Má nó là, "Má cứ chọn đi. Con mặc thế nào cũng được mà". Bởi vì có thế, Má nó mới mua được những món đồ rẻ tiền. Lựa chọn nhiều quá thì tiền đâu mà mua.


"Đồ không mua, mà chê chua chê ngọt"
Saturday, June 20, 2009

Lỗi

Một ngày dài thật dài nữa lại trôi qua dần và tôi đang bắt đầu cảm thấy rơi dần vào một trạng thái không rõ là thứ gì. Trong cái khoảng từ 10h trở đi là tôi lại cảm nhận một điều gì đó thật lạ lẫm và phải tập làm quen dần với điều đó khi những điều trôi qua trong ngày lại thêm một lần nữa đập lại vào tâm trí đến mức khó chịu vì không còn chịu đựng được nữa.

Làm con thì phải vâng lời và tất nhiên là không được cãi lại. Chắc chắn là không thay đổi được rồi. Và vấn đề chính là đôi khi vâng lời riết thì tự dưng tôi không còn cảm giác gì nữa. Những thay đổi trong gia đình tôi càng lớn dần và thường thì tất cả những lỗi gì gây ra là tôi gánh hết. Nhà tôi không đánh đập gì, chỉ luôn lặp đi lặp lại duy nhất một điều la mắng, hai điều la mắng và nó có thể lưu lại trong tâm trí bạn có khi đến cả những vài tháng sau bởi vì nó được lập trình để phát lại với tần suất khoảng một tuần hai ba lần gì đó. Tôi biết la mắng là tốt cho bản thân tôi vì điều đó cũng xuất phát từ việc gia đình tôi muốn tôi trở nên tốt hơn thôi. Nhưng đôi khi, chính những lời nói đó càng làm cho tôi phát ngấy lên những điều đó và gây ra một tâm trạng là không muốn nói chuyện nữa. Nói chuyện không làm cho tâm trạng thoải mái hơn mà chỉ ra một khoảng trống còn rộng hơn vốn dĩ lúc đầu của nó. Và đương nhiên, giải pháp tốt nhất là câm miệng lại.

"Mai mốt nếu Má có đi đâu thì nhớ gọi điện thoại về báo..."

"Thì ăn trước đi, ai biểu chờ làm gì ! "

"Dì Hai ăn gạo lứt muối mè, bà Ngoại ăn cháo, thế con ăn cơm với con mèo àh ?"

Những khoảng lặng thật khó chịu luôn bám lấy, quanh quẩn bên tôi suốt ngày. Thức dậy cũng bởi tiếng la hét chửi rủa kêu "Xíu, mày có dậy cho tao không?", tỉnh trí vởi những câu nói không muốn nghe cũng phải nghe bởi vì con người sinh ra có đôi tai không lẽ để làm kiểng? "Mày làm cái thời khóa biểu cho tao, làm việc cho đúng giờ giấc, suốt ngày chỉ toàn ăn với ngủ..." blah blah. Tất cả những câu nói vô cùng quen thuộc ấy có thể làm cho tâm trí tôi tỉnh hẳn và có tác dụng lâu dài là làm cho tôi không còn nói chuyện được. Chả thế đấy. Suốt ngày chỉ toàn ăn với ngủ nên bây giờ 44kg còn 41kg đấy. Khổ thế đấy mới nói.

Tôi đã quá quen với những lỗi lầm mà có do tôi gây ra hay không thì cũng tôi gánh chịu. Những xáo trộn trong nhà hình như chung quy cũng là do lỗi của tôi thì phải. Thế là việc nhà tôi nhận ku Phú về nuôi tất cả đều do tôi cả. Lý do ư ? Nhà tôi chia 2 phe: Dì Hai và Má tôi thì muốn nhận thêm con nuôi với lý do rằng sau này tôi có chồng thì sẽ chẳng còn ai ở nhà bầu bạn, nói chuyện gì đó ; còn cậu Năm tôi thì kịch liệt phản đối. Tôi trung lập và tôi chịu trách nhiệm. Khi phe nhận con nuôi xin ku Phú về, cấm tôi không được nói với cậu Năm. Vậy là bây giờ, mỗi khi xảy ra chuyện gì cho Ngoại, là tôi chịu trách nhiệm vì những xáo trộn trong nhà do tôi không nói. Một lần tình cờ tôi nghe được Cậu tôi ở bệnh viện thăm nuôi Ngoại đã nói với một bệnh nhân khác: "... Chỉ tại con cháu nó ngu quá nên mới như thế..." Và tra lần hồi đến những chuyện khi xưa, khi xảy ra chuyện gì đó, Má và Dì Hai tôi cùng tôi quyết định dọn ra ngoài ở, Má tôi làm thêm một chìa khóa khác để về lấy thêm đồ. Lúc đó tôi học lớp 7, tôi nói với Cậu Ba tôi về việc đó và sau đó tôi được nghe một bản trường-ca-dữ-dội vang vọng cả đất trời, lai láng hơi suối chảy từ Má và Dì Hai tôi. Hay những chuyện như gần đây, Má con tôi đi về quê chơi và trong SG, bà Ngoại tụt đường huyết xuống còn 35 phải đi cấp cứu. Quy tội trách nhiệm là do tôi không chịu đo đường huyết cho Ngoại, do tôi không chịu dạy cho dì Hai biết cách đo. Đã bao lần tôi đòi dạy cho dì tôi cách đo nhưng dì tôi có chịu học đâu. Mỗi khi tôi đo thì Má tôi lại nói nọ nói kia là tôi không biết đo, đo không đúng cách, tốn thẻ thử máu... vân vân và vân vân.

Và chung quy tóm lại, tôi không còn nghe được tiếng "con" thường xuyên từ Má tôi nữa. Chỉ là "mày" hoặc "con yêu kia". Những lúc nói đến từ "con", trong lòng muốn nghe nhưng nghe thật khó chịu bởi vì sau đó là một chuyện gì đó và tôi lại nghe chửi tiếp. Những so sánh dông dài và tôi chỉ là một đứa ngu ngốc và chẳng bằng ai. Tôi chỉ có trang viết để trút hết những gì tôi muốn nói. Bởi vì dù tôi có hỏi ai thì họ cũng đều bận việc riêng của họ cả, tôi chẳng muốn làm phiền. Ai đâu mà rỗi hơi đi nghe những chuyện tầm phào của tôi cơ chứ? Và cả người tôi muốn gặp thì online rồi offline nhiều lần. Tâm trạng tôi như thế, chỉ cần một chiếc lá vàng rụng xuống cũng đủ làm mặt hồ nổi sóng. Thế thì nói chuyện với ai rồi lại sỗ sàng, như thế thì có ích gì chứ ?

Bài toán này không cần có giả thiết vì giả thiết không có, chỉ có lập luận và lập luận. Cho nên tổng kết là: Tất cả mọi xáo trộn trong nhà là do tôi gây nên.

Một tin nhắn cuối ngày: A that su xin loj e. E da mang wa nhjeu do cu roj. A xin loj. A rat jan minh, wa so suat voj e. A hay dung do cu nen da xem rat can than. A se hoj Phg. A xjn loj em.

Lại thêm một người vì sự tức giận của mình mà phải chịu như thế. Nhưng đến khi người này đọc được entry này thì sẽ hiểu thôi. Mình không muốn giải thích thêm.
Friday, June 19, 2009

Quy Nhơn - Bình Định

Bình Định quê tôi


"Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách
Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu..."

Đã bao lần về Bình Định xứ dừa, tôi mãi vẫn không biết được bến My Lăng ở phương nào? Mà hằng đêm, mỗi khi đọc Yến Lan thi tập, tôi vẫn tưởng tượng ra được một bến đò hiu quạnh, trăng rơi vàng mặt nước tĩnh đến rợn người, với bầu rượu đã vơi đi hơn nửa...

Xứ Bình Định, quê hương của Bàn Thành tứ hữu, vốn nổi tiếng với vị vua Quang Trung anh hùng đại phá quân Thanh xâm lược, với môn võ cổ truyền đúng nghĩa chỉ truyền cho người có cái tâm cao đẹp, với những rặng dừa chạy mãi dọc biển xanh, với hơi gió biển thổi đi chiều oi bức.

Bao năm qua trôi đi, con người Bình Định vẫn vậy. Nổi tiếng với những cô gái Phú Phong, đẹp người đẹp nết, mà người Bình Định vẫn hay gọi một từ đơn giản nhưng đậm chất thôn quê là "giỏi"; với những con người An Nhơn, hiền hòa, nhân hậu, đùm bọc nhau xóm làng. Dù đã đổi thay rất nhiều nhưng cái chất đậm đà Bình Định vẫn còn đó, vẫn cái tịch mịch xóm chiều mà đến hoàng hôn là nhiều nhà đóng cửa, vẫn cột khói bay nghi ngút bên bếp lửa đen ngòm đáy xoong cơm, vẫn tiếng gà gáy vang bảo ông Trời đi ngủ sớm, vẫn là những đám mây lãng đãng nhẹ nhàng trôi qua theo dòng thời gian vùn vụt tên bắn.

Quy Nhơn có biển. Biển Quy Nhơn không biết có phải là đẹp nhất chăng? Nhưng biển Quy Nhơn hiền hòa như lòng người ở đấy. Những đợt sóng dài, vỗ nhẹ vào bờ cát trắng phau, rì rào trong tiếng hát ban mai, của những người dân chài ra khơi đánh cá, của những trẻ em tranh nhau đến trường. Dù bạn đi những nơi đâu, khi quay về Quy Nhơn, nếu bạn nhìn thấy bờ biển dài cùng với rặng dừa xanh ngắt, bạn đã đến nơi rồi đấy. Tâm hồn thanh thản khi đi dạo bên hàng dừa dài mãi tận xa xăm. Mát rượi. Gió biển như cũng biết chiều lòng những chiếc lược trời hay chăng là những chiếc kèn harmonica thổi lên những khúc ca ôm ấp người con xa quê vào lòng, như chào mời họ về lại với làng quê lâu rồi rời khỏi. Ông tôi thường kể rằng, rặng dừa mà con thấy dài mãi đó, chính là vì ngày trước có một chàng trai thầm yêu cô gái nọ. Gia đình cô gái chấp thuận nhưng với một điều kiện là chàng ta phải trồng dừa từ nhà mình đến nhà cô gái thì mới được đưa cô gái về cúng lễ gia tiên. Tình yêu nồng cháy của chàng trai đã giúp anh trồng được gốc dừa lửa duy nhất và cuối cùng ngay trước cổng nhà của cô gái. Tình yêu thật đẹp lắm thay !

"Trôi quanh thuyền những lá vàng quá lạnh,
Tơ vương trời, nhưng chỉ rải trăng trăng.
Chiều ngun ngút dài trôi về nẻo quạnh,
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng."

Trăng lên. Đêm trăng tròn tỏ soi bước chân lún nhẹ vào bãi cát trắng ấm áp niềm vui. Gió biển nồng nàn mùi mặn chát, vi vu từng hơi thổi bồng làn tóc thiếu nữ tung bay. Không gì tuyệt bằng đi dạo vào một đêm trăng như thế, cùng với một bãi biển và rặng dừa đầy sự tích như thế. Lắng nghe với tất cả trái tim, quê hương, thật yên bình và thơ mộng.

"Bến My Lăng còn lạnh bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng"

Cái đượm buồn vẫn vương vấn nơi đầu tàu ngọn sóng. Cái đượm buồn của bao suy nghĩ mông lung, của đêm trăng cô quạnh, của biển khóc xa xăm...

"Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Trăng nằm yên trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò"

Câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Hàn Mặc Tử nổi tiếng Bàn Thành chắc ai ai cũng biết. Về Quy Nhơn, với Bãi tắm Hoàng hậu, nơi vị hoàng hậu cuối cùng của phong kiến Việt Nam, Hoàng hậu Nam Phương, đến thưởng ngoạn và đắm mình trong cái mát lạnh của dòng nước biển mênh mông ; với mộ Hàn Mặc Tử - Thơ điên ; với Hòn Chồng (hòn lớn chồng lên hòn nhỏ) ; với bãi tắm Tiên Sa, với tháp Đôi, tháp Bánh ít đặc tả văn hóa Chăm-pa thời cổ... Biết bao cảnh vật mà thiên nhiên ưu ái đã tạo nên cho Bình Định nên thơ, làm nên chất riêng cho vùng đất đầy lịch sử hào hùng mà dân tộc Việt Nam ta mãi mãi ghi nhớ.

Bình Định nhắc đến vị vua Quang Trung oai phong lẫm liệt, thiên tài quân sự của Việt Nam với đường lối chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh làm chấn động cả đất trời muôn thuở. Mà cũng nhờ Người, Bình Định đã có thêm biết bao món ăn nhanh, thế giới gọi là fast-food ấy. Ví như bánh tráng và thịt thưng. Nhiều người nói rằng bánh tráng xuất phát từ miền Bắc. Ấy thế là họ hoàn toàn sai rồi. Chẳng phải miền Bắc nổi tiếng với trận Đống Đa - Ngọc Hồi làm nên lịch sử toàn thắng mà đất nước ta hoàn toàn thống nhất sao? Quân lính tướng sĩ đã quá mệt mỏi sau những trận đánh thần tốc và những thức ăn kia đã nếm nhiều nên đã để lại hết trên gò Đống Đa, cho nên miền Bắc gọi bánh tráng là bánh đa đấy, bà Ngoại tôi ôn tồn kể. Chiến thuật cứ ba người khiêng một người như thế cần phải có những thứ thức ăn nhanh mà dễ cho vào bụng nhất. Một lát bánh tráng, vài miếng thịt thưng, Bình Định chân chất làm nên lịch sử hào hùng.

Về Bình Định, không thể nào kể hết được đặc sản nơi đây với những câu ca dao lay động lòng người...

Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi

Gió đưa mười tám lá xoài
Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi

Gái Phú Yên một tiền ba đứa
Gái Bình Định một đứa ba quan

và còn nhiều những câu ca dao khác mà tôi không tài nào nhớ hết được. Hãy về Bình Định, để được thưởng thức món bánh cuốn chả thịt, thơm giòn vị thịt, ngọt lịm của vị nước chấm tương đậu phộng đặc trưng. Hay món bánh xèo miền Trung, đặc biệt Bình Định thưởng thức trong những ngày mưa dầm lạnh buốt mà ấm áp làn hơi. Còn nữa những món ăn tuyệt hảo khác như bánh hỏi Diêu Trì quyến rũ(là bánh để hỏi cưới ấy), bánh canh tôm Bình Định nóng hổi, bún chả cá Quy Nhơn cay ấm tâm hồn người xa xứ, mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn đậm đà, mắm tôm An Nhơn ngọt bùi, và đặc biệt món nem chả chợ Huyện. Chả thế mới có câu:

Ai về Vinh Thạnh quê em
Ăn nem chợ Huyện, xem đêm hát tuồng

Không nơi đâu có thể mang lại một món nem chua chua ngọt ngọt, thơm đậm đà lớp lá ổi e ấp trong lớp lá chuối quấn dày. Chả cá ở đây có thể làm bạn tan chảy bởi thịt cá được chế biến vô cùng công phu, ngay cả món tương ớt để chấm cũng làm bằng bàn tay tài hoa của các bà, các mẹ, các chị. Những ngày xưa, thức quà trong tay lũ trẻ con chúng tôi chỉ là những thứ bánh xu-xê nhưn dừa, những chiếc kẹo bùi,... Đối với tôi, bánh xu-xê là món tôi thích nhất. Cái vị thơm ngon, béo ngậy, xốp xốp và đặc biệt ăn không dính răng, ngọt đến tê cả người. Ôi Bình Định quê tôi...

Những ai ưa thích món gỏi có thể tận hưởng các loại gỏi cá, gỏi sứa, gỏi hải sản đặc trưng của thôn quê miền biển. Nếu dạ dày của bạn thuộc loại siêu hạng thì hãy từ từ thưởng thức cái món gỏi của xứ Bình Định này, để trải nghiệm hết những hương vị mà con gái ở đây khéo léo pha trộn tạo nên một mùi hương chung nhưng mang chất riêng của từng món ăn một. Chất con người ở đây đã thổi hồn cho những món ăn, cho những bữa tiệc, cho những giá trị tinh thần mà họ cố công gìn giữ, góp một phần nhỏ vào nghìn năm văn hiến của dân tộc.

Bánh ít lá gai... chữ công của người con gái trong tứ đức (công dung ngôn hạnh). Ôi đường ngọt, nếp thơm, dầu béo, đậu xanh bùi, gừng nồng ấm, lá gai tan chảy và đặc biệt là ăn bao nhiêu cũng không sợ đau bụng đâu vì lá gai bản thân là vị thuốc trừ đau bụng, no hơi. Và xoài Bình Định, cái thơm dịu, cháy nồng của những trưa hè nắng gắt kết tụ trên từng quả xoài dày thịt, ngon cơm mà ít có xoài vùng nào có được... Thật nhớ !!!

Bình Định, chí ít ra có thể gọi là một quốc gia nho nhỏ ấy chứ nhỉ? Với đủ lịch sử, văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật,... con người Bình Định dù xa quê đến đâu, xa quê đã bao năm tháng rồi, vẫn tự hào trả lời rằng: "Tôi quê ở Quy Nhơn, Bình Định".

"Bà Ngoại ta còn phảng phất đâu đây
Bánh ít lá gai bánh ú mập đầy"

Chốn phồn hoa đô hội, thời gian vụt trôi, sự thay đổi không ngừng của một đất nước đang phát triển kia vẫn không thể nào đem đi được Quy Nhơn, Bình Định hồn nhiên, hiền hậu, dịu dàng, chân chất yêu dấu của tôi...

Bình Định của tôi ơi !!!

Dấu chấm

Dấu chấm

Là dấu hiệu ước lệ của kết thúc

Là phần tử cuối cùng có sức mạnh khép lại một quãng, một khoảng, một dòng chảy của sự vật

Dấu chấm

Bé nhỏ

Chỉ là một điểm "." - giản đơn, dung dị

NHƯNG

Chẳng lẽ giá trị của dấm chấm chỉ là sự đóng kín cổ hủ ?

KHÔNG

Sức mạnh của dấu chấm lan rộng hơn vai trò thông thường chúng ta vẫn gắn cho nó.

Sức mạnh ấy cũng giản dị như hình thức của nó vậy, nhưng thật diệu kỳ. Phải chăng những gì đáng qúy vẫn luôn ẩn chứa trong vỏ ngoài dễ lãng quên ?
  • Đặt dấu chấm vào cuối câu là diễn đạt hết một ý
  • Đặt dấu chấm vào cuối đoạn văn là trình bày một luận điểm
  • Đặt dấu chấm vào cuối tác phẩm là phát ngôn vẹn một tư tưởng được gửi gắm
Như vậy, dấu chấm đã gói tròn những thông điệp, hoàn thiệt những ngôn từ trải dài vô định thành một thể thống nhất, xâu chúng thành một chuỗi kín.

Sao ta lại không nghĩ một dấu chấm là một "trọn vẹn" ?
  • Sau một dấu chấm cuối câu là một câu mới
  • Sau một dấu chấm cuối đoạn là một đoạn mới
  • Sau một dấu chấm cuối bài văn là những ý tưởng còn thai nghén đang nung nấu cho một hành trình mới của ngòi bút.
Thế là, dấu chấm không chỉ mang nghĩa chấm dứt mà còn là gợi mở. Dấu chấm vừa dừng lại vừa là tiếp diễn. Hoàn tất để tạo dựng những mới lạ.

Thật bất ngờ và thú vị : một dấu chấm là một "khởi đầu" !

CUỘC SỐNG cũng mang rất nhiều thông điệp. Một số đã trọn vẹn. Một số vẫn lạc mất trong không gian vì ta đã quên đặt dấu chấm để định hình nó. Sống quyết đoán để dòng đời chảy mạnh. Sống thổ lộ, tỏ bày, trao gửi, sẽ không yêu thương khi nào bị đánh rơi; và ... cuộc sống sẽ hoàn hảo hơn.

CUỘC SỐNG cũng là những quãng thời gian nối với nhau bằng những dấu chấm. Có những thứ đã qua nên được gói lại để đặt dấu bắt đầu, vì cuộc sống không bao giờ ngừng. Đừng bỏ lửng thời gian do cuộc đời chết dở. "Ngày mai gió ngày mai sẽ thổi"

Dù cái mới còn trứng nước thì vẫn cứ tiếp tục đắp đầy mỗi ngày qua bằng những "trọn vẹn" và "khởi đầu" !

Một khoảng trống để điền Yêu Thương


"Tia nắng ban đầu đã hồng má em chưa...?"

Những đợt gió chớm lạnh phảng phất thổi vào tâm can như chạm được vào nơi sâu thẳm nhất nhất chứa những kỉ niệm và suy nghĩ trong tâm trí tôi. Đông về rồi sao ? Cũng không sao cả, thành phố mình làm gì có mùa đông, nhưng mùa đông có trong những ai có niềm tin. Tôi vẫn thường bảo với mình rằng, mùa mưa của Sài Gòn là một mùa đông.

Mùa về bình yên nhưng lặng thấy lạ

Tôi khẽ nhìn những giọt mưa xối xả đổ tuôn trên mái tôn che hết mấy lưng trời. Cái lạnh làm nhức nhối những mảnh kí ức, làm buốt giá tâm hồn, mưa như đưa người ta trôi ngược về ngày xưa. Thấm thoắt đã ngần ấy thời gian, từ khi một đứa trẻ được sinh ra, được nuôi dưỡng, bảo bọc rồi lớn lên, trưởng thành và đang sắp tự bước đi bằng đôi chân và sức lực của chính mình.

Tôi chỉ thấy một chút luyến tiếc, tiếc cho những gì mình đã vô tình bỏ quên sau lưng, là một quãng thời gian tươi đẹp nhất cuộc đời, là những ước mong ấp ủ vẫn cất tiếng nói từ sâu trong tiềm thức, là những điều chưa bao giờ kể, là dấu chân của những con người đã đi qua cuộc đời mình, và có lẽ là một khoảng trống vô hình khi ta chợt vô tình chạm phải nó ở cuộc sống thường nhật... Khoảng trống ấy cứ dần lớn hơn khi ta vô tình bước qua kí ức của quá khứ, bỏ quên lại những gì của ngày xưa... mà chảy vội theo nhịp cuộc sống. Tôi, và bạn, không ai không một lần vô tình như thế, có phải không? Chỉ là, ngày hôm nay, sau tất cả, tôi muốn điền những yêu thương vào khoảng trống ấy của cuộc đời mình. Chẳng phải rằng tôi đã nhớ về nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi nhớ về những con người giản dị góp phần tạo nên cuộc sống, nhớ về cả ước mong và những bí mật của ngày hôm qua... từ những khoảng trống ấy sao?

Tôi, có tình yêu thương của mọi người xung quanh, có sức mạnh và niềm tin ở bản thân và... tôi sẽ tìm về. Ngày xưa. Và những khoảng trống.

Và tôi tin rằng, bạn cũng sẽ thế.

Chiều đi nhặt nhạnh từng giọt và mưa lại rơi trên con phố vắng, hòa vào cái náo nhiệt đến khó tả của ngã tư đường... Cơn mưa ngọt lịm buông xuống. Dường như người ta có thể cảm thấy được một vị mưa rất lạ, có lẽ mưa phùn Hà Nội đang ngấm vào giữa lòng Sài Gòn ồn ã, phồn hoa này.

Ở một góc nào đó, tâm hồn tôi bình yên và hạnh phúc.

Giao Hưởng

Một cô bạn đã giới thiệu cho tôi nghe bài hát Song From A Secret Garden... Có lẽ từ đó tôi đã chìm hẳn trong thế giới nhạc giao hưởng, mặc dù một con nhỏ như tôi thì không hiểu rõ thế nào là nhạc giao hưởng và không biết cách cảm thụ chúng. Dù vậy, tôi vẫn thích nghe.

Vậy làm sao biết được bản nhạc nào hay hay không hay? Chính tôi cũng không biết được điều đó. Trái tim và tâm hồn tôi lắng nghe và chiêm nghiệm, để đưa ra một nhận xét khác thích hợp hơn cho những gì đầu óc tôi tưởng tượng được.

Từ nhỏ, giao hưởng đã từ từ đi vào tâm trí tôi với những đoạn nhạc ngắn và khá quen thuộc trên Tivi. Do thói quen thích xem quảng cáo mà tôi dần dần cảm thấy thích nghe nhạc khi chỉ mới 3 tuổi tôi bập bẹ trên môi những giai điệu đồng quê của những bài hát tiếng Anh đi vào lòng người từ muôn thuở. Những đoạn nhạc dù rất ngắn, lặp đi lặp lại của Dòng Sông Xanh (The Blue Danube), Serenade to Spring (mà lúc nhỏ tụi tôi hay gọi là bài Dự báo thời tiết), The Hungarian Sonata (bài Lời hay ý đẹp) và còn nhiều bài khác mà tôi thường đặt tên cho chúng dựa theo chương trình mà chúng thường được phát.

Tôi không phải là người từ nhỏ đã được học nhạc với những nhà soạn nhạc vĩ đại trên thế giới, những bản giao hưởng nổi tiếng mà Cậu tôi được học. Cái mà tôi thu lượm được chỉ là những track nhỏ của một bản nhạc lớn. Và đối với tôi, lịch sử âm nhạc, đã liên quan đến lịch sử thì tôi không hề biết gì, còn khó hơn lên trời. Nhưng tôi vẫn thích giao hưởng vì một phần, nó là những ký ức quen thuộc mà hiếm khi tôi không còn dịp gặp lại nữa, một phần, nó là chiếc cầu nối giữa tôi và bạn, giữa tôi với mọi người...

Giai điệu da diết là một phần khiến tôi chìm đắm trong những bản nhạc cực kỳ kén người nghe như vậy. Cái chất dịu, lắng đọng lòng người của những nhạc cụ bộ dây (string) và bộ hơi (woodwind) luôn khiến tôi bình tâm lại trước những thứ làm tôi phải suy nghĩ. Và mỗi đêm, giao hưởng đem lại cho tôi một linh hồn mới, thổi cho tôi những làn gió của sự thanh bình, và tôi không thể nào không thưởng cho mình một nụ cười nhẹ trước những nốt nhạc trầm bổng, trước khuôn nhạc từng bước một lấp kín khoảng trống trong lòng tôi. Có những lúc, tinh thần suy sụp, cái chất bi tráng, trầm hùng của những đại giao hưởng, của rất nhiều những bản nhạc, lại khiến tôi thấy phấn chấn trước bao nhiêu việc còn đang chờ tôi hoàn thành. Một điệu trống, thanh la, chũm chọe, xylophone,... mọi thứ sao quen thuộc, mà thỉnh thoảng lại chợt ùa về làm tôi phải tìm kiếm bản nhạc và thưởng thức chẳng bõ công.

Và cũng tình cờ, giao hưởng đã đem lại cho tôi một người bạn vô cùng thân thiết, cùng chia sẻ với tôi những giai điệu ngộ nghĩnh, thỏa theo sức tưởng tượng không ai nắm bắt được. Những bản nhạc ấy, là cầu nối của tôi với bạn, dìu dắt tôi một thêm trưởng thành. Nhận ra rằng, tôi hoàn toàn nhỏ bé và mù tịt về thế giới nhạc giao hưởng. Cùng nhau, chúng tôi tưởng tượng ra những khung cảnh ngọt ngào, ánh lên những sắc màu từ những giai điệu khác nhau của những bản nhạc chia sẻ cho nhau nghe. Tôi đã nhận được nhiều, rất nhiều những sự quan tâm đầy thú vị, những lời an ủi chân thành, và những bản nhạc giúp tôi đứng lên, cùng với bàn tay ấm áp thân thuộc kia. Giao hưởng, ta cảm ơn mi, vô cùng cảm ơn mi đã cho ta một con thuyền, với người lái đò lãng tử, cùng thanh sáo trúc, đưa ta đến với đại dương bao la của âm nhạc cổ điển, đưa ta đến với những khoảng lặng yên bình của cuộc sống...

Canon - dòng suối mát cho tâm hồn - mãi mãi là khúc giao hưởng mà tôi thích nhất, cây cầu duy nhất cho tôi nhẹ nhàng đi vào tâm tư tình cảm của bạn...

Thursday, June 18, 2009

Hôm qua

Cuối cùng rồi mọi chuyện cũng êm xuôi. Có vậy mà cũng cãi lộn ì xèo cho được. Sao mà nhiều người hay nói về tiền thế nhỉ? Tiền Tiền Tiền. Mình căm thù cái chữ đó. Thật là khổ khi suốt ngày chỉ phải nghĩ đến tiền tiền và tiền. Sao họ không nghĩ đến cái việc đó nhỉ? Chỉ cần cãi lộn mà không dính đến tiền bạc là tự dưng mọi chuyện đều dễ xử lý. Mà lúc giận lên thì cái gì cũng nói. Bực dễ sợ. Mình ghét những lúc như thế. Đã thế là lưu linh tổ phụ, thành tích tốt đẹp gì cũng lôi ra chửi hết. Tức. Cứ cái tình hình này qua năm sau có mà tiêu với cái vụ thi 12. Sao mà chán thế ko biết. Cũng may mình còn có người an ủi và giúp mình đứng dậy. Hừ. Nhà với chả cửa.

Công nhận con người có khiếu phóng đại sự việc và nói sai thực tế một cách đáng sợ. Và họ cũng có một cái năng khiếu khác là chuyện trong nhà thì cứ bắt loa ra mà nói cho cả thiên hạ cùng nghe cho nó vui vẻ xóm làng. Bằng chứng là chuyện gì, thành tích chi trong nhà, đang có khách, réo um lên cho họ nghe cho nó dzui. Dzui ko thể tưởng được. Thích là nói. Vậy mà sáng hôm sau thì im re, sao ko nói tiếp đi. Nghe thấy mà phát nản. Nói nghe điếc đầu.

Bây giờ thì học được bao nhiêu thì học. Thấy công nhận nản kinh khủng. Nhà gì mà cứ lục đục không. Học trước mọi thứ ư ? Món này hơi khó nuốt. Nhất là món Lý và Hóa. Căn bản bay hết rồi. hahaha. Bây giờ chỉ thấy vui đời được với môn Anh Văn thôi. Kệ !!! Học được cái gì thì cứ học. Mình không chắc là sang năm tới có còn nói được không nữa. Chả thấy cái gì đáng để nói cả. Khi nào gặp được Ani thì nói. Mà chỉ sợ nói nhiều quá rồi lại gây ra lỗi gì nữa. Nói tóm lại thấy không nói gì là tốt nhất. hi hi.

Cứ vậy đi. Học được gì thì học cái đó.
Wednesday, June 17, 2009

Ngăn chứa cũ #5

------------------------------- VĂN TẾ

Chương trình ôn Văn bắt đầu từ tối ngày kia, đến giờ, 5 bài còn bài Đời Thừa là lâu thuộc nhất. Lật cuốn sách Văn đi vòng vòng rồi dừng lại ở trang cụ Đồ Chiểu, với bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc hào hùng mà bi tráng... Chợt nhớ

VĂN TẾ TỬ SĨ LỚP 11D1

Hỡi ôi!

1. Tiếng thầy đất rền, lòng em trời tỏ!

2. Mười một năm công học tập, danh còn chưa nổi; một trận càn của thầy, thậm chí chết cũng chẳng toàn thây.

Nhớ linh xưa:

3. Cui cút học hành, toan lo ngu dốt.

4. Chưa quen nghị luận, đau đớn thuyết trình ; chỉ biết đọc thơ mà không hiểu ý.

5. Mở sách, xem bài, ăn chơi, học gạo ; ta vốn quen làm ; đọc thêm, soạn bài, dàn ý, học thơ ; mắt chưa từng ngó.

6. Tiếng "dịu dàng" phập phồng tuy nửa tháng, trông nghỉ học như trời hạn trông mưa ; mùi kinh tởm vấy vá mới hai tuần, ghét thói ngựa như nhà nông ghét cỏ.

7. Ngày thấy thầy em rơi nước mắt, muốn ói ra thơ ; đêm mơ thầy như ác qủy muốn làm văn tế.

8. Một lớp yên vui thịnh vượng, há để ai chém rắn đuổi hươu ; bốn mươi lăm vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung kẻ yêu văn đến chết.

9. Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức học hành ; chẳng thèm quay ngược quay xuôi, chuyến này dốc ra tay nghị luận.

Khá thương thay!

10. Vốn đâu phải chuyên Văn chuyên Sử, văn sử tràn như suối như sông. Chẳng qua là dân quèn lớp D, há miệng sẵn chỉ chờ sung rụng.

11. Mười mấy môn bắt buộc, nào có mình thầy ; mấy chục bài kiểm tra, làm như dễ lắm.

12. Trong cặp có một kho sách vở, còn đòi thêm Tam Quốc, Đông Chu ; trên tay cầm một cây bút gầy, sáu lăm phút làm sao viết kịp?

13. Nhớ năm trước học chơi lẫn lộn, chẳng hiểu sao trên sáu phẩy năm ; trên tay cầm tờ giấy kiểm tra, tuy là khó, sách luôn mở sẵn.

14. Chi nhọc công thầy phát điểm trừ điểm cộng, đạp rào xông tới, coi điểm như không. Nào sợ thầy cho điểm dưới năm, buông bút xé bài, liều mình như chẳng có.

15. Kẻ liếc ngang, người liếc dọc, cố để thầy thất đảo bát điên. Bọn luồn trước, đứa rút sau, rút thì rút điểm không khá nổi.

Hỡi ôi ôi!

16. Cả năm ròng học muốn khùng, những đâu biết gặp thầy khắc chết!

17. Một chắc làm bài kia thấp điểm, ngờ đâu nó còn bị dưới hai. Trăm năm điểm ấy chẳng đổi thay, phụ huynh mà nhìn chắc xỉu.

18. Đoái trông bài vở, càng ngắm lại thấy càng rầu. Nhìn bài thuyết trình, nước mắt hai dòng lệ nhỏ.

19. Vẫn chẳng phải nô lệ khổ sai đày tới, mà làm bài cùng giống vậy thôi ; nào đâu phải dân chuyên ở ban C, mà suốt ngày chỉ nhai Văn với Sử !

Nhưng nghĩ lại:

20. Dàn ý, viết văn không xấu, tại thầy cho quá nhiều mà thôi ; thời gian, tiền bạc ở đời, em cần chất chứ không cần lượng.

21. Vì ai khiến thức khuya dậy sớm, mắt quầng gấu trúc ; vì ai khiến mặt mũi bơ phờ, ngu ngơ chậm chạp ?

22. Học làm sao mà cứ ngốc hoài, ngu hoàn ngu, quăng bài tập, thấy lại càng đần ; thức làm chi ròng rã đêm dài, đầu thì gục, chữ chẳng vô, nghe càng thêm khổ.

23. Thà biếng mà con điểm xấu, lòng em cũng chẳng mấy đau ; hơn còn mà mang tiếng học siêng, cuối cùng điểm năm cũng vậy.

Ôi thôi thôi!

24. Chùa Tông Thạnh năm sau em xuống tóc, nếu lỡ xui lại gặp phải thầy ; mười hai năm gặp một quá đủ rồi, xin cho em năm cuối cùng yên ổn.

25. Đau đớn bấy ! Học trò ngồi khóc điểm, dù học chăm song vẫn "nát" vì Văn. Não nùng thay ! Bạn kế ngồi cùng bàn, điểm cũng rách bươm không thua kém.

Ôi!

26. Điểm dưới trung bình, nguyên năm khỏi gỡ.

27. Năm nay, tới chắc thí Văn luôn quá, ai làm nên chán ngán môn Văn. Học sinh ta còn ở với thầy "yêu", ai cứu đặng một phường con "dê" một. (D1)

28. Viết mà chỉ viết cho rồi nợ, viết xong rồi thì chẳng hiểu cái chi chi ; viết mà ưng ép buộc bởi đề, hứng gì nữa hỡi trời, Văn Học !

29. Ý đã cụt, viết càng thấy cụt, tâm hồn đâu lãng đãng nơi cành cây ; cầu muôn kiếp được khỏi học Văn. Ý càng điên, viết lại càng điên, điểm đã thấy rành ràng, một chữ "khá" đủ đền công đó.

30. Nước mắt học trò lau chẳng ráo, thương vì hai chữ "yêu Văn" ; cây nhang tử sĩ thắp thêm thơm, cám bởi một câu "Đê Một"

Hỡi ôi thương thay!

Có linh xin hưởng!