Monday, June 15, 2009

Nguyệt Cầm

Mùa thu - chủ đề cổ điển trong thi ca văn học cổ - vốn là đề tài đắt giá cho nhiều nhà thơ sáng tác, trong đó có Xuân Diệu, người mang phong cách sáng tác giao thoa giữa phương Tây và truyền thống. Và Nguyệt Cầm là một trong số những bài thơ thu của ông, với một âm hưởng khác lạ và phong cách mới mẻ, đã để lại trong lòng người nghe những cung bậc tình cảm, những rung động xao xuyến.
Nguyệt Cầm - ánh trăng cùng với cây đàn, chỉ có hai từ song gợi người đọc một không gian buồn nhưng đầy nhạc tính. Cách lựa chọn từ, âm, như thấy rõ một đêm trăng thu dài với những âm giai trầm, xa vắng và buồn bã.
"Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân"
Thi nhân đã khéo léo vận dụng và kết hợp từ Hán Việt và thuần Việt. Những "trăng, nguyệt, ngần, lệ,..." tạo nên một không gian buồn tĩnh lặng. Nghệ thuật điệp từ "trăng", "đàn" như nhấn mạnh thêm cho cung bậc sầu muộn, kéo dài thêm cho nỗi nhớ miên man không dứt. Trăng khuyết nhưng trăng sáng ngần. Phải chăng trăng đang nhớ đến hình bóng ai? Mỗi cung đàn cất lên, giai điệu chậm rãi, những nốt lặng như đem đến không khí u sầu. Trên nền nhạc lặng ấy, những tiếng đàn vang lên, trầm và buồn như giọt lệ ai kia đang lặng lẽ rơi trong đêm trăng thu lạnh lẽo, ngân dài với nỗi nhớ thương da diết.
Không gian như rộng dần. Từ ánh trăng sáng ngần kia, nhân vật trữ tình như thấy được những cảnh vật xung quanh. Buồn và lặng.
"Mây vắng, trời trong, đêm thủy tinh
Lung linh bóng sáng bỗng rung mình
Vì nghe nương tử trong câu hát
Đã chết đêm rằm theo nước xanh."
"Vắng, trong, thủy tinh, lung linh, nước xanh", những từ ngữ như tạo nên âm điệu cho đoạn thơ, với những tiếng vút cao, kéo nhẹ, trầm bổng, đoạn thơ tuy buồn song không sầu thảm. Nghệ thuật vắt dòng được sử dụng khéo léo trong đoạn, như tiếng nấc não nùng trong đêm khuya thanh vắng. Trăng vẫn sáng, trời không gợn mây, trong mát. Đêm như một khối thủy tinh trong suốt, ảo ảnh, và vô cùng dễ vỡ. Trong cảnh đêm thanh thoát ấy, bóng sáng kia, có chăng là phản chiếu của nhân vật trữ tình, lung linh huyền ảo dưới ánh trăng, nhưng cũng phải rung mình trước gió? Người nương tử trong câu hát kia, đã về với cát bụi trong một đêm trăng tròn tỏ. Liệu người nương tử kia, có là tri âm tri kỷ của thi nhân chăng? "Nương tử", tiếng gọi trân trọng nhưng vô cùng trìu mến, đầy những thân thương, như gợi người đọc lòng tiếc thương vô hạn hòa lẫn với nỗi buồn sâu sắc.
Trời thu đã lạnh. Trăng trên trời lại thêm sáng tỏ. Cung bậc giai điệu như lạnh lẽo, buốt giá hơn, đau xót lòng người, để nhân vật trữ tình phải bật lên tiếng than thống thiết.
"Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi...
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người."
Nghệ thuật sử dụng từ ngữ tăng cấp "càng thêm", như đong đầy thêm nữa cho nỗi buồn của thi nhân. Tiếng đàn nhanh dần như nước chảy, rợn người, dồn dập các âm điệu, sắc lạnh đến vô cùng. Nhân vật trữ tình đã không kìm được tiếng than. Khô khốc nhưng não ruột. Bài thơ như được đẩy dần đến đỉnh điểm để giờ đây, vỡ òa ra cùng với nỗi nhớ da diết và giai điệu réo rắt, ai oán.
"Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người."
Từ láy "long lanh", "vang vang" cùng với cách đảo ngữ trong câu như làm chậm bớt giai điệu dồn dập của cung đàn. Sỏi kia như cũng khóc, long lanh những giọt lệ nhớ thương, nỗi hận sầu vang vọng. Trong đêm dài dằng dặc ấy, trăng kia, có phải đang nhớ đến bến Tầm Dương, với những con đò đỗ bến? Khúc nhạc kia, có chăng chính là nhân vật trữ tình, đang nhớ đến người xưa trong khắc khoải?
Nhớ. Nỗi nhớ ấy không còn nằm trong phạm vi chật hẹp của khoảng sân nhỏ dưới ánh trăng sáng ngần kia nữa. Nỗi nhớ ấy đã vượt ra bốn bề của vũ trụ, không gian rộng lớn.
"Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê
Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề
Sương bạc làm thinh, khuya nín thở
Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê"
Thơ Xuân Diệu luôn đầy nhạc tính. Ngay cả bốn bề cũng âm vang tiếng nhạc. Biển như những viên pha lê qúy giá, va vào nhau như một nhạc cụ độc đáo, với những âm thanh trong vắt, dào dạt. Chỉ có nhân vật trữ tình, cô đơn trong nỗi nhớ, như hòn đảo bơ vơ giữa đại dương pha lê ấy. Số từ "chiếc" đối với "bốn" như nhấn mạnh thêm nỗi niềm cô đơn, lẻ loi của thi nhân trước cuộc đời. Màn sương bạc huyền ảo, đêm khuya như im lặng lắng nghe cung đàn sầu muộn vang vọng cả đất trời. Bản thân thi nhân luôn muốn nhận được sự cảm thông của người đời. Ông muốn làm một Bá Nha với khúc cầm bất hủ, tìm kiếm không chỉ một Tử Kỳ mà là hàng vạn Tử Kỳ trên khắp nhân gian. Bởi thế, thơ Xuân Diệu luôn tràn đầy nhạc tính mong muốn người đọc hiểu được mình. Và bài Nguyệt Cầm là một minh chứng cho phong cách thơ pha trộn với giai điệu của ông.
Cùng với giai điệu và những nghệ thuật khác nhau trong bài, Nguyệt Cầm như một bản đàn dưới trăng, gợi nên tâm sự buồn bã nhớ thương của thi nhân. Người tri âm đã ra đi, không có gì đau xót bằng. Nguyệt Cầm là bài thơ diễn đạt rõ nét về tâm sự u hoài của Xuân Diệu, mong tìm được người hiểu mình của nhà thơ. Với những điểm chấm phá trên thi liệu thơ ca truyền thống, những vần thơ tràn đầy giai điệu, Nguyệt Cầm xứng đáng là một bài thơ tình hay nhất trong những bài thơ tình của Xuân Diệu và của nền thơ ca hiện đại Việt Nam.

0 comments:

Post a Comment

Vui lòng chọn "Comment as"
--> Name/URL và để lại tên bạn, đường dẫn nếu bạn hỏi chủ blog việc gì đó và cần hồi âm.
--> Anonymous nếu bạn muốn ẩn danh.
Xin cảm ơn.