Thursday, July 02, 2009

Cây dừa - giá trị tinh thần sâu đậm


Nhà tôi nằm kế bên một trường phổ thông cấp 3. Nơi đó có những rặng dừa rất cao mà vui nhất là mấy cây dừa đó cứ đổ sang bên sân thượng nhà tôi. Vậy là ngày nào cũng có nước dừa. Hehe. Nhưng cũng thỉnh thoảng mới chặt thôi, vì cũng ngại, nhưng cũng không sao vì đã xin phép thầy hiệu trưởng của trường rồi. ^^

Cây dừa Bình Định mà đặc biệt là cây dừa ở xứ Tam Quan thì có vô vàn những câu chuyện hay. Dừa gắn liền với đời sống tâm linh văn hóa xã hội của người dân quê tôi. Dừa mang lại những bóng mát trưa hè cho góc vườn chợt nắng. Dừa truyền lại những lịch sử hào hùng của dân Bình Định xứ tôi.

Điều vẫn ấn tượng nhất trong tôi đến bây giờ là đám cưới ở Bình Định. Một đám cưới ở quê thì tất nhiên là khác trăm lần so với ở thành phố. Dù gọi là thành phố Quy Nhơn nhưng đám cưới cổ truyền vẫn luôn đãi tiệc bằng những món ăn tự chế biến, bằng những giá trị truyền thống văn hóa ẩm thực. Và điều không thể thiếu là chiếc cổng lá dừa đặc trưng xứ võ quê tôi.

Đến giờ tôi vẫn chưa đi nhiều nơi, nhưng đám cưới thì tôi dự rất nhiều. Dù ở quê hay ở thành phố, hiếm khi lại được gặp chiếc cổng lá dừa in đậm trong trí óc tôi từ thuở nhỏ. Ngày cậu Năm tôi làm đám cưới, họ hàng làng xóm, nhất là cậu Ba tôi, đi xin lá dừa về để cắt tỉa và trang trí cho chiếc cổng lá dừa đặc biệt ấy. Hái dừa nguy hiểm. Chặt tàu lá dừa phải chặt tàu lá tươi, đều, không được có lá nào úa vàng. Từ lá còn non gốc tàu đến lá già rũ dạng, vẫn phải xanh một màu xanh thật trong lành, mướt, nhẹ nhàng, thanh thoát như ngọc. Chưa kể là trên ngọn dừa còn là tổ của kiến lửa mà con nào con nấy bự tổ chảng. Khổ lắm. Nhưng cái vui trên hết vẫn là một đôi tơ hồng kết duyên trăm năm cầm sắt. Khó nhất là phải biết canh ngày để hái tàu lá dừa xuống sao cho ngay ngày rước dâu đãi tiệc, lá dừa phải tươi, không được úa màu, nếu không thì sẽ làm mất ý nghĩa thiêng liêng nhất của việc cưới hỏi. Cổng lá dừa quan trọng trong từng đời sống con người xứ võ. Chẳng thế mà câu chuyện tình nồng nàn đã gắn liền với gốc dừa dài mãi tận biển xanh.

Hồi đó, đến cả xe hoa rước dâu cũng được trang trí với lá dừa. Bó hoa cô dâu cầm lướt thướt với hai dải lá dừa xanh nếp nổi bật trên nền áo dài đỏ truyền thống. Dừa cũng phải tự hào khi góp một phần cực kỳ quan trọng vào đời sống văn hóa Việt. Nhưng cái tôi vẫn nhớ nhất là chiếc bánh xu-xê ngọt ngào giòn sật.

Bánh xu-xê là tiếng nói trại đi của từ bánh phu thê. Cái tên đã khẳng định ý nghĩa quan trọng của chiếc bánh trong ngày lễ quan trọng này. Bánh làm rất công phu và tốn tiền nhưng ý nghĩa truyền thống lâu đời khiến cho tráp bánh phu thê không thể nào thiếu trong ngày rước dâu được. Và đã thành thói quen, dù ruộng nhiều hay ít, từ xưa người dân vẫn có ý thức dành riêng một khoảnh để cấy lúa nếp cái hoa vàng. Thứ nếp này được xay lọc kỹ thành loại bột trắng mịn màng, và cứ 10kg nếp chỉ lọc được 4kg bột làm bánh. Bánh phu thê là sản phẩm của sự pha chế tổng hợp, nguyên liệu được làm từ những sản vật đồng quê. Vỏ bánh chế từ bột nếp cái hoa vàng, xay mịn, lọc lấy tinh bột. Nhân bánh được làm bằng đậu xanh đồ chín, dáo kỹ, qua nhiều giai đoạn công phu, xào nhuyễn với đường kính, cùng với cơm dừa nạo nhỏ... Từng ấy thứ tổng hợp lại với nhau, bổ sung lẫn nhau cho ta chất béo, chất bột, chất khoáng. Nó không những có giá trị dinh dưỡng cao mà còn tạo nên một hương vị vừa độc đáo, vừa ngon miệng, vừa nồng nàn khó quên. Béo, ngọt, mịn màng trong suốt như hổ phách và tác động tới mọi giác quan: mũi ngửi thấy hương thơm nhẹ nhàng nhưng rất sâu từ bột gạo nếp và đậu xanh; mắt nhìn thấy nền lụa trắng của vỏ bánh với thấp thoáng những "vân mây" hương dừa, lưỡi thưởng thức vị ngọt lan tỏa của đường, vị giòn sật của dừa nạo, tai nghe tiếng tách hộp lá sột soạt.

Bánh phu thê xuất phát từ làng Đình Bảng, Bắc Sơn, Hà Nội. Theo truyền thuyết, thời Lý vào những ngày hội hè hay lễ Tết, dân làng thường dùng những sản vật mình đã cấy trồng ra để làm bánh xu-xê, thành tâm dâng cúng tổ tiên, rồi hưởng lộc. Một lần hội làng, Lý Thánh Tông cùng vợ là Ỷ Lan Nguyên phi về quê lễ vua Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông ở Đền Đô. Tại đây dân làng đã dâng lên Vua và Nguyên phi đặc sản của quê hương là bánh xu-xê và nhận được lời khen tấm tắc hương vị độc đáo của món bánh này. Đức vua cho rằng, cuộc đời con người có được hạnh phúc là niềm vui lớn của hạnh phúc lứa đôi, và truyền từ nay, ngày ăn hỏi, rước dâu nên có món bánh quý này để mọi người cùng hưởng. Cũng từ đó bánh xu-xê được gọi là bánh phu thê, buộc từng cặp bằng lạt điều và là một trong những lễ vật không thể thiếu trong đám cưới, đám hỏi, là biểu tượng của lòng chung thủy, gắn bó sắt son của tình vợ chồng.

Tục lệ gói bánh phu thê cứ như vậy truyền từ đời này sang đời khác, qua nhiều vùng miền và cách tân nên nhiều kiểu khác nhau. Bánh phu thê đã đi khắp đất nước và dừng lại ở Bình Định tôi với hộp lá dừa dân dã. Hái lá dừa là một việc khó khăn và tốn nhiều công sức. Cái khó là ngồi xếp lá dừa thành hai chiếc hộp vuông. Hộp nhỏ là hộp âm nằm dưới, hộp dương hơi rộng hơn úp lên trên biểu tượng cho âm dương hòa hợp. Nhưng cũng nhờ có sống lá dừa nên có thể xắn vuông lên một cách dễ dàng. Làm hộp lá tuy dễ nhưng cái công phu thể hiện trong bột bánh bên trong hộp lá ấy. Thoạt trông, việc luộc bánh có vẻ đơn giản, nhưng đây lại là giai đoạn công phu nhất thể hiện độ chín của người làm bánh, quyết định đến thành công của cả mẻ bánh. Vì vậy mà những nhà làm bánh ngon nổi tiếng luôn có bí quyết giữ lửa khi nấu. Khi nào cần lửa to và to trong bao lâu, hay nhỏ hay vừa phải riu riu... Phải chăng đó là ngọn lửa hạnh phúc gia đình vẫn bập bùng cháy không tắt, tạo nên món bánh trăm năm chăng? Và tất cả cứ từ từ trở thành một nghệ thuật đa dạng trong cách làm, với tiêu chí một chiếc bánh thơm, ngon, dẻo. Bánh ngon ăn xong, hương thơm còn phảng phất trong tình cảm của mỗi người. Ngược lại, bánh không ngon là bánh nhão, hương không nồng. Điều này lý giải tại sao mỗi nghệ nhân khi làm món bánh phu thê, họ hầu như dồn hết tâm sức của mình vào từng chiếc bánh. Ngoài tâm hồn tài hoa của người thợ, nếu thiếu một tấm lòng chất chứa thương yêu thì khó có thể có được cặp bánh phu thê hoàn mỹ. Nhưng không vì vậy mà việc làm bánh phải kéo dài. Bánh phải được làm trong thời gian nhất định, canh đúng ngày giờ, vì bánh luộc xong, khi vỏ lá dừa vẫn còn tươi, và xếp đẹp đẽ trong tráp quả và theo họ nhà trai đến nhà gái để rước dâu, khi gặp gió dễ bị đổi màu thành vàng úa. Cho nên, cái công của từng nghệ nhân và tấm lòng chất chứa trong từng chiếc bánh, cố công đem lại hương vị thơm ngon đậm đà, nồng ấm tình phu thê bền chặt trong lớp hộp lá dừa âm dương hòa hợp.

Cây dừa... gắn liền với tâm linh người dân xứ võ, mãi mãi làm đậm đà cái tình, cái hồn người dân dã, mộc mạc, chất phát với những đóng góp quan trọng cho giá trị truyền thống tinh thần giữ mãi trong lòng người Bình Định.

2 comments:

Unknown said...

A ơi, ở quê mình có ai làm cổng đám cưới bằng lá dừa ko hả a???? Nhìn thích gê đó. Mà tụi em thuộc thế hệ sau này, lớn lên đi đám cưới toàn thấy cổng hoa tươi, hoa giả, bong bóng ko à. Em muốn làm cổng là dừa cho đám cưới mình mà sợ ko đc.... Thích gê!

Unknown said...

Rất nhiều thông tin thú vị, cảm ơn đã chia sẻ
Nguyễn Thanh – Nhân viên Marketing
------------------------------------------------
Quay phim phóng sự Lễ Cưới - Tiệc Cưới
Quay phim phong su Le Cuoi – Tiec Cuoi

Post a Comment

Vui lòng chọn "Comment as"
--> Name/URL và để lại tên bạn, đường dẫn nếu bạn hỏi chủ blog việc gì đó và cần hồi âm.
--> Anonymous nếu bạn muốn ẩn danh.
Xin cảm ơn.